Rác thải nhựa chính là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bởi loại rác này không có khả năng phân hủy sinh học. Giảm thiểu ô nhiễm do chất thải nhựa gây ra đang trở thành nhiệm vụ cấp bách của mỗi quốc gia.
Không khó để tìm thấy những sản phẩm làm từ nhựa trong các vật dụng hàng ngày. Túi ni lông, vỏ chai nước, ống hút, tăm bông… đều là sản phẩm chỉ sử dụng một lần, song lượng nhựa đó khi thải ra môi trường gần như không tự phân hủy. Sự tích tụ của rác nhựa trong môi trường là vấn đề do con người tạo ra, vì vậy đòi hỏi một giải pháp đến từ con người. Rác thải nhựa ở Đại dương sẽ phá hủy môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các loại thủy sản. Trên đất liền, rác thải nhựa có ở nhiều nơi và gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống con người.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Vĩnh Phúc chịu nhiều áp lực từ các vấn đề liên quan đến chất thải rắn đô thị, với lượng phát sinh trung bình 5.500-6.000 tấn/ngày. Trong đó, thành phần nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt chiếm tỷ trọng cao chỉ sau rác thực phẩm.
Trong thành phần chất thải đô thị và công nghiệp, tỷ lệ chất thải nhựa chỉ đứng sau chất thải thực phẩm và chất thải giấy. Việc tái chế với công nghệ phù hợp sẽ giúp thu gom và xử lý chất thải nhựa theo cách thân thiện môi trường và có thể chuyển đổi thành tài nguyên, mang lại tiềm năng lớn cho bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính.
Nhưng ở tỉnh ta, việc hình thành các nhà máy tái chế phế liệu nhựa là bước khởi đầu trong nỗ lực tái chế rác thải nhựa hiện nay. Tại khu công nghiệp Hợp Thịnh đã có một nhà máy tái chế rác thải nhựa hiện đang hoạt động rất hiệu quả. Tại nhà máy này hàng ngày lượng rác thải nhựa được nhà máy thu mua về từ mọi miền tổ quốc với khối lượng khoảng 30 tấn/ngày. Rác thải nhựa khi tập kết về được nhà máy đưa vào dây truyền phân loại, rồi qua các công đoạn lọc rửa, nghiền trộn để khi ra trở thành những hạt nhựa trắng muốt, làm nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa trong và ngoài tỉnh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, để giải quyết lâu dài các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa, cần đẩy mạnh triển khai biện pháp quản lý chất thải rắn theo hướng 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng), tái chế rác thải nhựa sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Cụ thể, về mặt xã hội, tái chế chất thải nhựa, đặc biệt là hoạt động thu gom và phân loại chất thải nhựa sẽ tạo cơ hội việc làm cho lao động trình độ thấp. Giảm lượng rác thải cần chôn lấp, có nghĩa giảm áp lực về diện tích đất dành chôn lấp và đất sẽ được sử dụng vào các mục đích công cộng khác. Bên cạnh đó, thu gom và tái chế chất thải nhựa hiệu quả, giúp giảm thiểu hàng loạt vấn đề môi trường liên quan như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất./.
Mạnh Quân