Rất nhiều cơ hội kinh doanh được rộng mở khi Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực chính thức và nhiều khả năng tới đây là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tuy nhiên, muốn khai thác được “mỏ vàng” cơ hội ấy, sẽ cần phải gia tăng hơn nữa sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh, để vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc tế được thăng hạng mạnh mẽ.
Những bước tiến trong hội nhập và cải thiện môi trường kinh doanh đã giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt tự tin ra biển lớn. Trong ảnh: Tổng Giám đốc Hapro Vũ Thanh Sơn (thứ hai từ phải sang) trao đổi với đối tác U-crai-na tại Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm SIAL Paris 2018. Ảnh: Thu Hiền
Doanh nghiệp lớn, nhỏ lo cải cách
Ngay trước thềm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 (VBF 2018), khi trao đổi với báo chí Việt Nam, ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam dành khá nhiều thời gian để nói về những cơ hội của Việt Nam qua nhìn nhận của các nhà đầu tư nước ngoài. “Sự chuyển dịch thương mại toàn cầu đang diễn ra khiến những cơ hội mới xuất hiện. CPTPP, EVFTA và cả cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang đưa đến cho Việt Nam những cơ hội trước kia chưa có. Nhưng, làm thế nào để doanh nghiệp (DN) có thể tận dụng cơ hội này? DN chắc chắn phải cải thiện năng lực cạnh tranh, nhất là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của các chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì tiêu chuẩn Việt Nam. Nhưng, môi trường kinh doanh có thật sự thúc đẩy DN “xuống tiền” hay không?”, ông Tomaso đặt câu hỏi với các nhà báo khi chia sẻ nhận định về kinh tế Việt Nam năm 2019.
Câu hỏi này không chỉ của cá nhân ông Tomaso. Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam là đại diện của 15 hiệp hội DN trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Trong các bài viết gửi tới VBF 2018 của các hiệp hội DN, những đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh... chiếm phần lớn. Ðơn cử như Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) thậm chí còn thẳng thắn rằng, các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây.“Những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định - bao gồm thuế suất và chính sách - là những rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và kinh doanh của các dự án đã được cấp phép”, ông Michael Kelly, Chủ tịch AmCham thẳng thắn.
Ðây cũng là điều mà 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500) lo ngại. Cuộc khảo sát vừa được thực hiện hồi tháng 11-2018 của Công ty Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho thấy, 60% DN lo ngại về phức tạp trong thủ tục hành chính; 40% nhắc tới rủi ro pháp lý... Hệ quả là, mặc dù bức tranh kinh tế giai đoạn tới được nhiều chuyên gia nhận định sẽ tăng trưởng khá, song nhiều DN thể hiện sự dè dặt về những dự báo kết quả kinh doanh năm tới. Chỉ khoảng 50% DN cho biết, sẽ cơ bản giữ ổn định, 37% cho rằng, chi phí sẽ tăng lên và 18,5% dự đoán lợi nhuận sẽ giảm.
Cũng phải nói thêm, đây là ý kiến của các DN thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Với các DN nhỏ và vừa, chiếm hơn 96% DN Việt Nam, thì theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), còn có tới 58% ý kiến phản ánh về những phức tạp trong thực hiện các quy định liên quan điều kiện kinh doanh (ÐKKD)...
Nếu có cơ chế khuyến khích đầu tư mạnh mẽ, nông nghiệp sẽ chuyển mình sang hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Thủy Nguyên
Cạnh tranh trong chuẩn mực mới
Cũng phải nhấn mạnh, điểm sáng nhất trong cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2018 là cắt giảm ÐKKD, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhắc tới những chuyển biến tích cực trong thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục cấp phép xây dựng... Ðặc biệt, cơ chế một cửa đang phát huy hiệu quả tốt ở nhiều địa phương. Công tác tổ chức đối thoại giữa chính quyền tỉnh và DN được phát huy tốt. Mô hình cà-phê doanh nhân được nhiều doanh nghiệp hoan nghênh... “Ðặc biệt, công tác thanh, kiểm tra có chuyển biến tích cực, tỷ lệ DN bị thanh, kiểm tra từ hai lần giảm từ 48% xuống 40%, tỷ lệ DN cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các cuộc thanh, kiểm tra từ 24% giảm còn 14% chỉ sau một năm. Ðiều này cho thấy, Chỉ thị 20 chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra mà Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5-2017 đã phát huy tác dụng”, ông Lộc cho biết.
Nhưng tất cả những nhận định trên chỉ thể hiện được những gì cải thiện của môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2018 so với những năm trước đó. Ngay trong Báo cáo “Doing Business 2019” mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi tháng 10-2018, sự thăng hạng với chính mình của Việt Nam thể hiện khá rõ, với điểm tổng tăng từ 66,77 lên 68,36 với tốc độ tăng liên tục bốn năm gần đây. Nhưng, so sánh trong ASEAN, thứ hạng 69 của Việt Nam còn cách khá xa so với Xin-ga-po (thứ 2), Ma-lai-xi-a (thứ 15) hay Thái-lan (thứ 27)... “CPTPP đã có hiệu lực nên sự so sánh phải mở rộng hơn. So sánh với 10 quốc gia khác trong CPTPP, Việt Nam là quốc gia đứng cuối cùng, sau cả Peru hay Chilê”, ông Lộc nói.
Chìa khóa thành công là cải cách
Không có sự nghi ngờ nào về nhận định, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế được dự báo là hưởng lợi nhiều từ quá trình thương mại toàn cầu và các chuỗi giá trị đang dịch chuyển. Hơn thế, tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức 6,7% của kinh tế Việt Nam trong năm 2018 và việc hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô sẽ tạo nên những tác động tích cực, mang tính cộng hưởng.
Nhưng, đúng như ông Vũ Tiến Lộc đã nói, tất cả mới chỉ là cơ hội. “Chìa khóa thành công cho quá trình chuyển các cơ hội thành hiện thực chính là công cuộc cải cách thể chế trong nước. Nghĩa là tận dụng được các cơ hội từ hội nhập hay không phụ thuộc hoàn toàn vào các quyết định bên trong của nền kinh tế”, ông Lộc nhấn mạnh.
Hay nói một cách khác, hội nhập và cải cách thể chế luôn là cặp đôi song sinh của sự phát triển ở Việt Nam. Quá trình hội nhập sâu rộng và cải cách thể chế mạnh mẽ hai yếu tố quan trọng này đã góp phần làm nên những bước phát triển mạnh mẽ của DN Việt Nam, kinh tế Việt Nam trong suốt hơn 30 năm đổi mới.
Tuy nhiên, cơ hội lần này sẽ đi qua rất nhanh, nếu như những cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế không thật sự tác động đến hoạt động hằng ngày của các DN, nhà đầu tư. Cạnh tranh toàn cầu buộc giới kinh doanh phải quyết định nhanh. Nghĩa là, những bước cải cách cơ chế, cải thiện môi trường kinh doanh cũng phải thực hiện với tốc độ tương ứng.
Theo Khánh An/nhandan.com.vn