Theo báo cáo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 17/3, cả nước đã có tổng cộng 18 tỉnh, thành nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các ngành chức năng và người chăn nuôi tại Vĩnh Phúc đang thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp nhằm phòng chống bệnh dịch này xâm nhập vào địa bàn.
Tại trang trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Phan Thị Hải, thôn Hoa Giang, xã Bản Giản, huyện Lập Thạch, tất cả người và các phương tiện khi ra vào đều được phun khử trùng tiêu độc theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, gia đình cũng tăng cường theo dõi đàn lợn và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi nhằm bảo vệ an toàn cho đàn lợn.
Huyện Lập Thạch là một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn trên địa bàn tỉnh, với gần 150 nghìn con lợn, cùng nhiều trang trại chăn nuôi quy mô từ 500 con trở lên. Huyện đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật, tập trung vào dịch tả lợn Châu Phi đến từng thôn, xóm, hộ chăn nuôi; chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay tại địa phương.
Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan vào Vĩnh Phúc, các lực lượng chức năng đã thành lập các chốt để kiểm soát 24/24h đối với các hoạt động buôn bán, vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và sản phẩm từ lợn. Theo đó, toàn tỉnh có 3 chốt kiểm dịch lợn được lập ở các huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên, địa phương giáp ranh với các tỉnh, thành khác, đặc biệt là Hà Nội, nơi đã công bố xuất hiện dịch. Tại các chốt, tất cả các phương tiện vận chuyển lợn qua đây đều phải thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện nay, đàn lợn trên địa bàn tỉnh có trên 650 ngàn con. Để phòng dịch bệnh và đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, ngành Thú y và các cơ quan chuyên môn, đã tăng cường kiểm tra các trang trại, gia trại, các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Biện pháp thiết thực nhất để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi là buộc phải chăn nuôi an toàn sinh học ở tất cả các trại nuôi. Khi phát hiện lợn ốm, chết nghi mắc bệnh, phải khai báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan Chăn nuôi và thú y để xử lý kịp thời.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Hiện nay vẫn chưa có vacxin phòng dịch, do vậy để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh không thể dựa vào vacxin mà dựa vào biện pháp hành chính, kiểm dịch và truyền thông. Để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh khuyến cáo, người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn tỉnh cần thực hiện "5 không" theo đúng quy định của Luật thú y: không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt và không giấu dịch./.
Lưu Trường