Cuối cùng sau rất nhiều dùng dằng, người đàn ông có hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy cũng đã trình diện và nhận hình thức xử lý của cơ quan chức năng.
Ông ĐMH (trái) đã có hành vi sàm sỡ nữ sinh trong thang máy. Ảnh: Facebook
Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền là 200.000 đồng được đưa ra, không chỉ nạn nhân mà dư luận cũng cảm thấy hụt hẫng thất vọng, thậm chí là phẫn nộ.
Tuy nhiên với những người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp hoặc những người có kiến thức về pháp luật, mức phạt đó hoàn toàn không bất ngờ thậm chí nó được biết trước, bởi theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, đó chính là mức phạt cao nhất, thường gọi là “kịch khung”. Chính vì vậy cơ quan áp dụng pháp luật dù muốn dù không cũng không thể đưa ra mức phạt nào cao hơn khung hình phạt này.
Đã từ lâu những người làm về công tác liên quan đến luật pháp, bình đẳng giới hay công tác xã hội nói chung đã đặt vấn đề về những quy định pháp luật liên quan đến những hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, dân gian gọi là sàm sỡ.
Mặc dù được đánh giá là có nhiều bước tiến về bình đẳng giới, tuy nhiên chúng ta lại có vẻ khá chậm chạp trong việc theo kịp các nước trên thế giới và khu vực về việc hoàn thiện luật pháp chống quấy rối tình dục.
Ở Việt Nam, khái niệm quấy rối tình dục mới chỉ được đưa vào trong các quy phạm pháp luật về lao động.
Tại các nước trên thế giới cũng như khu vực, luật pháp đã quy định khá chặt chẽ về hành vi quấy rối tình dục, thậm chí một số nước còn nhấn mạnh nó bằng khái niệm tấn công tình dục. Theo đó, định nghĩa quấy rối tình dục có thể rất rộng, chẳng hạn đó là một thái độ có liên quan đến giới tính thể hiện ở hình thức có từ ngữ, không từ ngữ hay bằng cơ thể có mục đích hay có tác động làm tổn thương đến phẩm giá của một người hay tạo nên một môi trường mang nhiều dọa dẫm, thù địch, hạ thấp, lăng nhục, xúc phạm hay bối rối.
Cùng với đó là những hình phạt hết sức nghiêm khắc dành cho những người thực hiện hành vi nói trên trong đó mức phạt tiền nặng thậm chí phải bồi thường nạn nhân lên đến nhiều triệu USD hoặc mức phạt tù lên đến vài năm. Với Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn chỉ xử lý hành vi vi phạm bằng quy định của Nghị định và như trên đã nói mức phạt cao nhất vẫn chỉ là không quá 200.000 đồng.
Với những người không hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, họ không thể tin rằng đó chính là mức phạt cao nhất dành cho người có hành vi sàm sỡ phụ nữ. Và khi pháp luật chưa đạt được sự hoàn thiện chưa thực sự công minh thì cộng đồng sẽ phản ứng và có những “chế tài” của riêng họ.
Chính vì vậy, trong những ngày qua, như một sự biểu thị hành vi phẫn nộ họ đã chia sẻ cho nhau, phát tán trên mạng xã hội bức ảnh một người đàn ông được cho là người có hành vi tấn công nữ sinh trong thang máy cùng những lời bình luận nặng nề. Tuy nhiên, xét dưới góc độ nào đó, chính hành động này cũng đang vi phạm pháp luật xâm phạm quyền riêng tư về hình ảnh của người khác.
Cách đây ít lâu dư luận cũng hết sức phẫn nộ khi một công chức của phòng kinh tế (Quảng Bình) đã có hành vi ôm, vật lộn và cắn rách môi nữ đồng nghiệp ngay tại trụ sở làm việc. Mức xử phạt hành vi vi phạm của vị công chức này cũng chỉ dừng lại ở 200.000 đồng. Tuy nhiên, người có hành vi vi phạm là một công chức nên ngoài việc xử phạt hành chính, cơ quan nhà nước còn xử lý kỷ luật bằng hình thức cho thôi việc.
Hình thức xử lý kỷ luật này phần nào khiến dư luận bớt bức xúc, tuy nhiên xét cho đến cùng nó cũng chỉ là biện pháp tình thế, bởi nếu người có hành vi tấn công tình dục không phải là một công chức viên chức thì rốt cuộc anh ta chỉ có thể bị phạt hành chính 200.000 đồng.
Một hành vi vi phạm cần phải bị xử lý bằng trách nhiệm hình sự hoặc hành chính một cách thích đáng, thể hiện trực tiếp và cụ thể thái độ của nhà nước của luật pháp đối với người thực hiện hành vi đó mà không cần phải bổ sung thêm một trách nhiệm khác.
Để đánh giá một cách rõ ràng nhất mức phạt này có hợp lý hay không, cách tốt nhất là mỗi người hãy tự đặt mình vào vị trí người thân của nạn nhân và đặt câu hỏi nếu điều đó xảy ra với người thân của mình.
Dù được nâng lên từ những quy phạm xử sự chung của cộng đồng, tuy nhiên luật pháp vẫn là sản phẩm của con người. Khi cuộc sống thay đổi, luật pháp cũng cần phải thay đổi cho phù hợp.
Có lẽ đã đến lúc, chúng ta cần có những quy định cụ thể xử lý những hành vi quấy rối tình dục, tấn công tình dục và cùng với đó là những chế tài có đủ mức răn đe cần thiết.
Theo Quang Lê/chinhphu.vn