Kịch bản Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận đã hiện hữu sau khi Nghị viện Anh lần thứ 3 bác bỏ thỏa thuận “chia tay” EU.
Nghị viện Anh hôm qua (29/3) lần thứ 3 bác bỏ thỏa thuận “chia tay” với Liên minh châu Âu (EU), bất chấp việc Thủ tướng Theresa May đã chấp nhận “đánh đổi” chiếc ghế của mình để nhận được cái gật đầu của các nhà lập pháp. Cuộc bỏ phiếu hôm qua cũng diễn ra đúng ngày Anh đáng lẽ phải chính thức rời Liên minh châu Âu theo dự tính cách đây 2 năm.
Thủ tướng Theresa May. Ảnh: UK Parliament/Mark Duffy/PA.
Với 334 phiếu chống so với 286 phiếu ủng hộ, thỏa thuận chia tay giữa Anh và Liên minh châu Âu lần thứ 3 bị bác bỏ tại Nghị viện. Kết quả này cũng đồng nghĩa với việc Anh sẽ phải rời Liên minh châu Âu vào ngày 12/4 tới mà không có thỏa thuận, trừ khi từ nay đến thời điểm đó Anh có thể đưa ra một giải pháp thay thế và yêu cầu thêm một lần gia hạn nữa.
Ngay sau khi nhận được kết quả cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thông báo tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu vào ngày 10/4 tới.
Trong khi đó, Thủ tướng Theresa May không che giấu được sự thất vọng khi cho rằng, đây là kết quả vô cùng đáng tiếc, đồng thời bày tỏ lo ngại nước Anh đã đi đến tận cùng giới hạn của tiến trình chính trị tại Hạ viện.
“Đây là một kết quả vô cùng đáng tiếc, một lần nữa cho thấy chúng ta không thể hỗ trợ một tiến trình Brexit có trật tự. Ý nghĩa của quyết định này là rất nghiêm trọng khi mặc định Vương quốc Anh sẽ phải rời Liên minh châu Âu vào ngày 12/4 tới, tức là chỉ trong 14 ngày nữa. Và vì vậy chúng ta phải tìm ra được một giải pháp thay thế để thúc đẩy tiến trình”, bà May nói.
Thất bại lần thứ 3 này cũng đồng nghĩa với sức ép ngày càng tăng đối với Thủ tướng Theresa May. Thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn tuyên bố, Thủ tướng cần phải từ chức ngay lập tức và yêu cầu tổ chức bầu cử sớm để cử tri Anh có thể quyết định tương lai của mình.
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, hàng nghìn người mang cờ Anh đã tuần hành bên ngoài tòa nhà Quốc hội, phản đối việc trì hoãn rời khỏi Liên minh châu Âu. Hoạt động giao thông tại thủ đô Luân Đôn, Anh gần như bị tê liệt.
Từ Brussels, Ủy ban châu Âu cảnh báo, khả năng Anh rời Liên minh châu Âu vào ngày 12/4 tới mà không có thỏa thuận nào là một kịch bản hoàn toàn có thể.
Tại Pháp, Phủ Tổng thống Pháp tuyên bố, lần thất bại mới nhất này của Thủ tướng Theresa May làm gia tăng mạnh mẽ nguy cơ một sự ra đi không thỏa thuận. Trách nhiệm khẩn cấp lúc này thuộc về nước Anh, đó là trong những ngày tới phải đưa ra được một lựa chọn thay thế (bầu cử Quốc hội sớm, trưng cầu ý dân hay liên minh hải quan,...). Nếu không, Anh và Liên minh châu Âu sẽ buộc phải chia tay mà không có thỏa thuận và đây là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận hiện đang trở nên rất thực tế. Còn đối với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz, Anh phải đề xuất với Liên minh châu Âu một kế hoạch Brexit mới trong 2 tuần tới, nếu không một “Brexit cứng” sẽ khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy lần thất bại này dường như không làm nản lòng nhà lãnh đạo Anh, Văn phòng Thủ tướng cho biết bà May sẽ đàm phán với Đảng Dân chủ Hợp nhất, lớn nhất tại Bắc Ireland. Một số bình luận cho rằng nhiều khả năng trong vài tuần tới, bà Theresa May sẽ tiếp tục tìm cách thuyết phục Hạ Viện để xem liệu thỏa thuận của bà có được thông qua hay không. Trên thực tế, tỷ lệ chênh lệch giữa số phiếu chống so với phiếu thuận đã giảm đi rất nhiều sau mỗi lần bỏ phiếu, từ 230 phiếu lần 1 xuống 149 phiếu lần 2 và xuống còn 58 phiếu lần 3./.
Theo Thu Hoài/VOV.VN