Thời gian qua, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, có sự trung chuyển qua lãnh thổ Việt Nam.
Những năm gần đây, dưới sự phát triển phức tạp của tội phạm ma túy, các loại hình ma túy cũng “biến tướng” từ heroin truyền thống sang ma túy tổng hợp, thuốc gây ảo giác. Cùng với đó là mạng lưới hoạt động tinh vi hơn của tội phạm ma túy. Có những đường dây buôn bán ma túy trải rộng trên nhiều quốc gia.
Ngày 20/3, tại khu vực dân cư Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM, tổ công tác của Cục Điều tra tội phạm về ma túy – Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm Biên Phòng Miền Nam, Công an tỉnh Đắc Nông đã bắt vụ vận chuyển ma tuý lớn nhất từ trước đến nay. Đây là đường dây ma túy hoạt động trên nhiều quốc gia như: Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam... Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hơn 300kg ma túy. Sau đó khám xét nơi ở của các đối tượng, tiếp tục thu giữ thêm hơn 200kg ma túy.
Thượng tá Ngô Thanh Bình, Cục phó Cục điều tra về tội phạm ma túy Bộ Công an.
Chỉ khoảng 7 ngày sau, Tổ công tác 363 cùng CSGT An Sương (TP HCM) phát hiện chiếc xe tải có biểu hiện nghi vấn tại khu vực xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn). Qua kiểm tra, phát hiện số lượng ma túy lên tới 895 bánh với khối lượng 300kg ma túy. Qua điều tra, xác định chiếc xe tải chở ma túy là mắt xích trong một đường dây ma túy xuyên quốc gia khác.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Thượng tá Ngô Thanh Bình, Cục phó Cục điều tra về tội phạm ma túy Bộ Công an thông tin thêm về vụ bắt giữ đường dây ma túy kỷ lục tại TP HCM, cũng như những hoạt động phức tạp của tội phạm ma túy xuyên quốc gia hiện nay.
PV: Thưa Thượng tá, vừa qua lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng các lực lượng khác đã phá chuyên án ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng ma túy cực lớn tại TP HCM. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả đấu tranh của chuyên án này?
Thượng tá Ngô Thanh Bình: Chuyên án 218 LB được ký thành lập từ ngày 31/1/2019, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm và Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT. Kết quả thu giữ của chuyên án này hết sức hoàn hảo, bắt được các đối tượng chủ mưu cầm đầu, cho đến các đối tượng vận chuyển, thu được 1,16 tấn ma túy các loại.
PV: Đây là chuyên án lớn, phức tạp, ông có thể cho biết quá trình đấu tranh này lực lượng cảnh sát điều tra gặp khó khăn vất vả như thế nào?
Thượng tá Ngô Thanh Bình: Đây là đường dây ma túy vận chuyển xuyên quốc gia, do đối tượng người Trung Quốc ở Myanmar-Lào-Thái Lan cầm đầu. Do đó, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Lượng ma túy mỗi lần vận chuyển trị giá khoảng 600-700 tỷ đồng. Với lượng ma túy lớn như vậy, cùng với tính chất nguy hiểm của tội phạm ma túy, các đối tượng chủ mưu cầm đầu thường lên kế hoạch hết sức chi tiết.
Thời đại công nghệ 4.0, các đối tượng buôn bán ma túy được sự hỗ trợ của công nghệ, điều đó cũng gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng điều tra tham gia chuyên án này. Cùng với đó, hành trình vận chuyển từ Myanmar qua Lào, thẩm lậu vào Việt Nam qua cửa khẩu Bờ Y ở Kon Tum, sau đó đối tượng về TP HCM xuất qua đường biển về Philippines và một số nước khác.
Hiện nay, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đang điều tra làm rõ và sẽ thu được lượng vật chứng còn lại chưa ra thị trường bán lẻ. Cùng với đó, một khó khăn nữa là bất đồng ngôn ngữ, quá trình trung chuyển, hành lang pháp luật và quá trình phối hợp giữa các nước có độ trễ.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên của Thượng tướng Lê Quý Vương, chúng tôi đã cố gắng vượt qua. Mặc dù thời điểm chuẩn bị phá án, Thượng tướng Lê Quý Vương đang công tác tại Nhật Bản, nhưng đồng chí vẫn thường xuyên gọi điện về đôn đốc Ban chuyên án thực hiện tốt nhiệm vụ.
Vụ bắt giữ ma túy kỷ lục tại TP HCM với tổng số ma túy các loại thu được hơn 1,16 tấn.
PV: Theo quan sát, xu hướng vận chuyển ma túy có sự dịch chuyển. Trước đây, các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy chủ yếu ở khu vực phía Bắc, nhưng dần dần ma túy có sự dịch chuyển vào phía Nam. Ông có đánh giá gì và nguyên nhân do đâu?
Thượng tá Ngô Thanh Bình: Nhìn vào kết quả bắt giữ của lực lượng phòng chống ma túy, có thể nhân dân hết sức lo ngại. Nhưng theo chúng tôi, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Đây cũng là kết quả nhiều năm mà Bộ Công an chủ trì dưới chủ công của lực lượng CSĐT về tội phạm ma túy phối hợp lực lượng hải quan, cảnh sát biển, biên phòng, các bộ ngành của chính phủ, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Y tế để giảm thiểu tác hại do người nghiện ma túy gây ra và đem lại kết quả như chúng tôi bắt giữ trong thành phố Hồ Chí Minh.
Với lượng 1,16 tấn ma túy đá bắt vừa rồi cũng như 895 bánh bắt tại cầu vượt An Sương, theo chúng tôi đây là điều đáng vui mừng, vì sau nhiều năm chúng ta thực hiện cao điểm phòng chống tội phạm ma túy tuyến Đông Bắc là Quảng Ninh và Lạng Sơn đạt hiệu quả rất tốt. Gần như trên tuyến đó, tội phạm ma túy rất khiếp đảm, cộng sự nỗ lực của tuyến Tây Bắc.
Qua đây đã làm cho các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây ma túy xuyên quốc gia run sợ. Chúng cho rằng, nếu vận chuyển qua tuyến đó thì thực sự là mối đe dọa và sẽ bị lực lượng chức năng về phòng chống ma túy phát hiện. Quả thực trên tuyến Đông Bắc giáp với Trung Quốc và Tây Bắc giáp với Lào, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu chúng tôi đã làm rất tốt và tội phạm có sự dịch chuyển vào phía Nam.
PV: Theo thống kê vừa qua 80% lượng ma túy và Việt Nam tiếp tục được đưa sang nước thứ 3. Trong đó, 20% được tiêu thụ trong nước. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Thượng tá Ngô Thanh Bình: Về số liệu mà báo chí nêu, đây là dự báo của các nhà chuyên môn, cũng như là tổng hợp về ma túy của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là con số mà các chuyên gia đưa ra. Cơ quan Cục CSĐT tội phạm về ma túy là cơ quan chủ trì giúp việc cho Bộ Công an không có số liệu để nhận định rằng, đây là con số đúng hay sai.
Nhưng chúng tôi khẳng định, việc trung chuyển ma túy qua Việt Nam đã được Bộ Công dự báo từ rất lâu và đã chủ động tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ cơ bản của ngành công an phối hợp với các ngành Hải quan, cảnh sát biển, biên phòng làm rất tốt. Do đó, nguy cơ đó có, nhưng nếu thời gian tới Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển là khó. Bởi, với sự nỗ lực của chúng tôi, cùng sự thông minh của người Việt Nam, đặc biệt lực lượng công an, Hải quan, Cảnh sát biển, biên phòng thì tội phạm ma túy khó có thể lộng hành, trung chuyển.
PV: Vừa qua có rất nhiều chuyên án ma túy lớn được phá như chuyên án Lóong Luông. Sau những chuyên án này, Cục CSĐT tội phạm về ma túy có đánh giá và có biện pháp nào để tình trạng ma túy này không tái phát?
Thượng tá Ngô Thanh Bình: Xấu và tốt là hai mặt của vấn đề xã hội. Nếu chúng ta kỳ vọng vào xã hội quá tốt đẹp, ở đó không có tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy thì đó là hành trình mà chúng ta hướng tới. Sau những thành công đó, hiệu ứng và sức lan tỏa rất lớn. Qua các tài liệu nghiệp vụ mà chúng tôi thu thập được, rất nhiều đường dây của các Tập đoàn ma túy lớn mà hiện nay chúng tôi đang lập án thì thấy rằng chúng run sợ, e ngại. Nếu tiếp tục hoạt động sẽ bị lực lượng chức năng của Việt Nam và quốc tế phát hiện. Hiện tại chúng đang tạm dừng hoạt động, đó là thành công của việc phòng chống ma túy. Như Bộ trưởng Tô Lâm nói: Chúng ta rất mong muốn có thêm nhiều trường học, nhiều điểm vui chơi văn hóa, chứ không muốn có nhà tù, trung tâm cai nghiện làm gánh nặng xã hội nặng nề hơn.
Thượng tá Ngô Thanh Bình cho rằng các đối tượng buôn bán ma túy xuyên quốc gia đang lợi dụng chính sách thông quan thông thoáng của Việt Nam.
PV: Để phá được chuyên án này, công tác phối hợp các lực lượng liên ngành, đặc biệt với nước bạn là rất quan trọng, thưa ông?
Thượng tá Ngô Thanh Bình: Bộ trưởng Tô Lâm đã khẳng định, chiến công vừa rồi là sức mạnh của khối đại đoàn kết. Có lẽ, mọi vấn đề khó khăn đến đâu có sự giúp đỡ của nhân dân, các cấp ban ngành, cả hệ thống chính trị sẽ đạt được kết quả tốt. Trong chuyên án này, không những hệ thống chính trị của chúng ta đoàn kết mà chúng ta còn chứng minh được trách nhiệm của Việt Nam trong phòng chống ma túy với quốc tế. Trên cơ sở điều tra nhanh các đối tượng bị bắt, căn cứ vào lời khai và tài liệu thu thập được, Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy Việt Nam đã thông báo ngay cho Philippines. Ngay sau đó, nhà chức trách phòng chống ma túy của nước này đã phát hiện và bắt giữ 276 kg ma túy đá giấu trong container hạt nhựa.
Nếu như chúng ta chậm trễ, lượng ma túy đó sẽ thẩm lậu ra thị trường, gây nhiều tác hại. Ngay sau đó, cơ quan chức năng phòng chống ma túy nước này đã gửi thư cảm ơn Bộ trưởng Tô Lâm. Trong lễ khen thưởng đó, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an công bố bức thư này. Bản thân chúng tôi cũng hết sức vui mừng trước kết quả hợp tác quốc tế đạt được thời gian qua.
PV: Trong chuyên án này, như ông vừa nói, các đối tượng đã giả danh doanh nghiệp xuất khẩu để vận chuyển ma túy sang nước thứ 3. Phải chăng lâu nay, các đối tượng lợi dụng chính sách mở cửa để tuồn ma túy ra ngoài?
Thượng tá Ngô Thanh Bình: Đây là phương thức thủ đoạn cất giấu ma túy và thủ đoạn này không phải là mới. Vấn đề này ở các nước phát triển như Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản đã xuất hiện phương thức này cách đây hàng thập kỷ. Chúng ta là nền kinh tế mới nổi, và với sự quyết tâm của Chính phủ, chính sách thương mại và thông quan hàng hóa của chúng ta rất thông thoáng, để đẩy mạnh xuất khẩu.
Do đó, các đối tượng phạm tội ma túy các quốc gia khác đã đến đây để lợi dụng chính sách đó buôn bán ma túy. Dự báo tình hình này, Bộ Công an đã chủ động phòng ngừa và chủ động lập án để ngăn chặn và triệt phá, như chuyên án 28LB vừa rồi chúng ta phá, bắt giữ 1,16 tấn ma túy đá. Trong thời gian tới, chúng tôi quyết liệt làm nhiều chuyên án khác, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ thông báo.
PV: Để ngăn chặn ma túy vào Việt Nam và để Việt Nam không trở thành điểm trung chuyển ma túy sang nước thứ 3, theo ông, lực lượng CSĐT tội phạm ma túy cần giải pháp nào trong thời gian tới?
Thượng tá Ngô Thanh Bình: Giải pháp đầu tiên là cần huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị. Chúng ta sắp có Chỉ thị mới về phòng chống ma túy, để huy động sức mạnh tổng thể các hệ thống Chính trị, cũng như huy động sức mạnh quốc tế cùng Việt Nam nỗ lực vì một ASEAN và thế giới không ma túy. Trước đây, năm 2008, Bộ Chính trị có Chỉ thị 21 để nâng cao phòng chống ma túy. Nhưng sau 10 năm thực hiện cho đến nay có nhiều vấn đề không theo kịp với tình hình.
Giải pháp thứ hai, hiện nay Cục CSĐT về tội phạm ma túy đang thành lập một tiểu ban để sửa đổi Luật Phòng chống ma túy năm 2013. Luật Phòng chống ma túy năm 2013 so sánh với tình hình mới, trong bối cảnh hội nhập mới sâu sắc và tội phạm ma túy các nước diễn ra phức tạp còn nhiều bất cập. Đặc biệt, là chức năng của Cục CSĐT tội phạm về ma túy và lực lượng phòng chống ma túy tại vùng biên giới. Ở đó, lực lượng biên phòng là chủ công, còn chúng tôi có những quyền năng rất hạn chế. Cùng với đó, các giải pháp đặc biệt trong quá trình điều tra về tội phạm ma túy cho phép lực lượng phòng chống ma túy sớm ngăn chặn, triệt phá, đẩy lùi ma túy.
Về tài sản phạm tội ma túy mà có, để tịch thu, tạo nguồn lực cho công cuộc phòng chống ma túy, chúng ta đã làm không tốt như Thái Lan và một số nước khác. Nhưng quan trọng nhất, để giảm được tình trạng ma túy nó vẫn nằm trong quy luật cung cầu, nếu không có người sử dụng thì không có người mua bán, vận chuyển, tàng trữ. Các nhà khoa học đã chứng minh, ma túy không thể để lâu được. Trong quá trình hút ẩm sẽ biến chất, sẽ thay đổi vì nó là chất hóa học. Đây cũng là giải pháp căn cơ nhất. Hiện, Cục đang tham mưu cùng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế giúp Chính phủ sửa đổi Nghị định 221, đưa người nghiện ma túy vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc được dễ dàng và tạo điều kiện cho họ cai nghiện thành công, sớm trở về cộng đồng./.
Theo Nguyễn Hiền - Trọng Phú/VOV.VN