Cuối năm 2018, thấy có dấu hiệu tích cực trong các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn không áp đặt mức thuế 25% lên số hàng hóa của Trung Quốc trị giá khoảng 200 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau những bước đi tích cực, thì trước vòng đàm phán thứ 11 tại Washington trong ngày 9 và 10/5, Bắc Kinh phát đi thông điệp sẽ đàm phán lại trong nhiều vấn đề mà trước đó đã thỏa thuận.
Ngay lập tức, Tổng thống Trump quyết định tăng thuế từ rạng sáng ngày 10/5 từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc, cho dù Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn đến Washington tham dự vòng tham vấn kinh tế và thương mại cấp cao lần thứ 11.
Ngoài ra, Washington cũng tuyên bố sẽ xúc tiến việc áp thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc nếu cuộc đàm phán đang diễn ra tại thủ đô Washington không đạt kết quả.
Trên trang mạng Twitter ngày 10/5, Tổng thống Trump nêu rõ không cần thiết phải đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ông Trump nhấn mạnh các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang tiếp tục diễn ra một cách rất thoải mái, đồng thời cho rằng hoàn toàn không cần phải vội do Trung Quốc hiện phải trả mức thuế quan 25% cho Mỹ đối với lượng hàng hóa trị giá 250 tỷ USD.
Tổng thống Trump tuyên bố: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc với hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ không một lần nữa tìm cách sửa đổi thỏa thuận".
Dấu hiệu đó cho thấy, tuy Mỹ muốn đưa ra một “tối hậu thư” cho Trung Quốc trên bàn đàm phán, nhưng cũng hàm ý là đến lúc này Washington cũng không vội vàng gì, khi mà phần thiệt hại trong kinh tế đang nghiêng về phía Bắc Kinh. Mỹ muốn có một thỏa thuận thương mại công bằng, hợp lý và đủ mạnh cả về mặt pháp lý lẫn trong thực thi với Trung Quốc chứ không mang tính nữa vời.
Vì có hai yếu tố sau:
Một là, theo số liệu mà ông Robert E Scott, nhà kinh tế tại Viện Chính sách Kinh tế (EPI) cho hay năm 2018, Mỹ nhập khẩu khoảng 540 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và xuất sang nước này 120 tỷ USD. Với cả hai con số đó đều không là bao so với quy mô kinh tế Mỹ, vốn đã đạt được đến 21.100 tỷ USD trong quý đầu tiên năm 2019.
Trong khi đó, tổng số 540 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc đến Mỹ trong năm 2018 chiếm 4% của nền kinh tế 13.400 tỷ USD. Theo ông Robert E Scott phân tích: “Nói cách khác, Trung Quốc bị tổn thương nhiều hơn bảy lần so với Mỹ khi thương mại bị gián đoạn trong cuộc tranh chấp này”.
Hai là, Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn Mỹ nếu đàm phán kéo dài nghĩa là cuộc chiến tranh thương mại cũng sẽ kéo dài. Bởi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ, theo ước đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đang có tăng trưởng mạnh, thị trường lao động lành mạnh và Phố Wall ít lo sợ hơn. Những yếu tố này đã giúp cho chính quyền Trump có lập trường mạnh bạo hơn với Trung Quốc.
Số liệu cho hay, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3,2% trong quý đầu năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp đang dao động ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm và sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay đã củng cố lòng tin của nhà đầu tư cho dù niềm tin đó có được trong lúc có hy vọng vào việc hai nước sắp đạt được thỏa thuận thương mại.
Cuộc chiến với Trung Quốc diễn ra vào lúcTổng thống Trump đang có tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong nhiệm kỳ của ông và nền kinh tế khỏe mạnh - hai nhân tố giúp ông có lợi thế trong cuộc chiến thương mại.
Tuy nhiên nền kinh tế Mỹ cũng bị tác động nhất định, như: Tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ bị kéo xuống, có khả năng là 0,5% ; thị trường chứng khoán thậm chí còn bị ảnh hưởng lớn hơn nữa; nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng; một số mặt hàng có thể bị tăng giá; nguyên vật liệu sẽ trở nên đắt đỏ hơn…
Dân biểu Đảng Cộng hòa Mike Conaway của bang Texas, một thành viên cao cấp của Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện Mỹ nói: “Lời khuyên duy nhất của tôi đối với Tổng thống Trump và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và những người khác là hãy giải quyết việc này càng nhanh càng tốt bởi vì chúng ta đang chứng kiến người dân Mỹ đang chịu đựng mỗi ngày”.
Trong khi đó thì sự phản ứng của Trung Quốc ra sao?
Sau quyết định trên của Washington, ngày 10/5, Trung Quốc bày tỏ "vô cùng lấy làm tiếc" khi Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cho biết Bắc Kinh "sẽ có các biện pháp đáp trả cần thiết".
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ hy vọng hai nước có thể sớm đồng thuận và giải quyết vấn đề thông qua hợp tác và tham vấn.
Trung Quốc vẫn đến bàn đàm phán, nhưng quy mô thành viên đoàn giảm nhiều so với kế hoạch. Kết thúc 2 ngày làm việc với đoàn Mỹ nhưng không có thông báo kết quả. Đặc biệt, cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc với Tổng thống Mỹ Trump cũng không diễn ra như dự kiến…
Trước đó, trả lời báo giới khi vừa tới Washington DC, ông Lưu Hạc khẳng định Trung Quốc tin rằng tăng mức thuế quan không phải là một giải pháp cho mọi vấn đề và điều này sẽ có hại không chỉ đối với Trung Quốc, Mỹ mà với toàn thế giới.
Ông cho rằng đoàn Trung Quốc tới Mỹ đàm phán trong bối cảnh hiện nay thể hiện sự chân thành rất lớn của Bắc Kinh và mong muốn giải quyết các khác biệt giữa hai bên một cách chân thành, tin cậy và hợp lý.
Tổng biên tập báo Global Times của Trung Quốc, ông Hồ Tích Cận cho biết, hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí gặp gỡ tại Bắc Kinh trong tương lai để tiếp tục tiến trình đàm phán thương mại.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Hồ Tích Cận viết: "Theo những nguồn tin đáng tin cậy của tôi, tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa đổ vỡ. Cả hai bên cho rằng các cuộc đối thoại rất có tính xây dựng và sẽ tiếp tục tham vấn. Hai bên nhất trí gặp gỡ tại Bắc Kinh trong tương lai".
Diễn biến đó cho thấy, Mỹ cứ tăng thuế, Trung Quốc cứ dọa đáp trả, đàm phán vẫn cứ tiếp tục và “cuộc chiến thương mại” Mỹ-Trung vẫn cứ kéo dài…
Còn hồi kết thì cứ chờ đợi. Thiêt hại đôi bên cũng không phải ít. Tác động đến nền kinh tế toàn cầu thì cũng đã rõ.
Dư luận quốc tế mong hai bên tìm được tiếng nói chung để hóa giải cuộc xung đột thương mại hiện nay.
Theo Tuyết Minh/chinhphu.vn