Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại tại 29 tỉnh, thành phố nguy cơ bùng phát có thể xảy ra, giá lợn hơi trên thị trường đang có xu hướng giảm.
Tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước). Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.
Hà Nội tốn hơn 200 tỷ đồng tiêu hủy lợn bệnh
Theo ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Hà Nội đã quyết tâm chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm các biện pháp của Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đề ra. Hiện Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về số đàn lợn với hơn 1,9 triệu con. Trong khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát thành phố đã tiêu hủy 10 vạn con, giá 38.000đ/kg, tiêu tốn hơn 200 tỷ. Tỷ lệ tiêu hủy đang được duy trì thấp, mới xấp xỉ 5% tổng đàn.
Các xã, thôn của Hà Nội đang cố gắng không để lợn chết, lợn bệnh bị quăng ra đường, ra ao, ra sông. Hà Nội cũng tăng cường các điểm giết mổ, quản lý.
Hà Nội tốn hơn 200 tỷ đồng tiêu hủy lợn bệnh.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, giao Sở Công Thương triển khai các biện pháp cụ thể. Hiện tại, giá thịt lợn có xu thế giảm, chỉ còn 36-37.000 đồng/kg. TPHCM đã tổ chức giao lưu trực tuyến về dịch bệnh này để người dân nắm tình hình, đảm bảo nhu cầu thịt heo của nhân dân.
TPHCM cũng đang thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các điểm vào nội thành và điểm giết mổ trong thành phố. Sở NN-PTNT thành phố đã làm việc với Sở NN-PTNT của Long An, Đồng Nai để thống nhất không nhập lợn từ vùng dịch, đồng thời ghi rõ thông tin hộ chăn nuôi được bán vào thành phố.
Ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng giám đốc Masan Group đặt vấn đề, phải làm thế nào để vừa duy trì chăn nuôi lợn, vừa tìm cách duy trì nguồn cung trong nước để chung sống với dịch tả lợn Châu Phi.
“Tại quyết định 4527 quy định nghiêm cấm việc vận chuyển mua bán lợn vào vùng dịch bị uy hiếp, chúng tôi thấy có những rủi ro như sau. Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ công nghiệp theo quy mô lớn thì hầu hết đều tuân thủ, nhưng rất khó kiểm soát các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vì lực lượng phòng chống dịch mỏng” - ông Nguyễn Thiều Nam nói.
Thịt ngoại sẽ tràn vào, gây tạo ra tình trạng khó khăn kép trong chăn nuôi, kinh doanh thịt lợn.
Ông Nguyễn Thiều Nam phân tích thêm, khi nguồn thịt lợn sạch bị khan hiếm, đó là nguy cơ nhãn tiền cho ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta không thể ngăn người tiêu dùng sử dụng thịt lợn nhập khẩu từ Châu Âu, Barazil... Thịt ngoại sẽ tràn vào, gây ra tình trạng khó khăn kép trong chăn nuôi, kinh doanh thịt lợn.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 2.000 địa điểm, xử lý 200 địa điểm không đạt an toàn. 100% quân số lực lượng quản lý thị trường đang tham gia các cơ quan liên ngành xử lý ASF.
“Như một số doanh nghiệp đã đề cập, chưa bao giờ chúng ta gặp phải dịch bệnh chưa có thuốc dù đã xảy ra hơn 100 năm. Nếu chống dịch trong thời gian dài, phải đặt nặng vấn đề này. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu thịt lợn đứng thứ 7 thế giới, nếu không có biện phát sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường thịt lợn xuất khẩu và tiêu thụ nội địa” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói./.
Theo Phương Hoài/VOV.VN