Cập nhật: 02/06/2019 09:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Áp lực vào lớp 10 trường công lập và học hành, ôn luyện khi có thêm 2 môn thi đang đè nặng lên tâm lý của cả phụ huynh và học sinh Hà Nội.

Từ ngày 2 đến 3/6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội sẽ bắt đầu. Đây là kỳ thi được đánh giá là căng thẳng với gần 86.000 học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9 của Thủ đô.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, với cơ sở vật chất và chủ trương phân luồng của thành phố, chỉ khoảng 64.000 chỉ tiêu học sinh (chiếm tỷ lệ 66%) có chỗ học trong các trường công, bao gồm cả các trường công tự chủ tài chính với mức học phí cao hơn. Còn lại khoảng 22.000 học sinh (tương đương 34%)  được phân luồng sang trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay, học sinh Hà Nội phải thi thêm 2 môn là Ngoại ngữ và Lịch sử (ảnh minh họa)

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2019-2020, học sinh Hà Nội phải thi 4 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Đây là năm đầu tiên thí sinh Hà Nội phải thi tới 4 môn và là năm đầu tiên sau mấy chục năm chỉ lấy điểm thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS.

Đau đầu tính toán để đỗ vào trường công

Mặc dù chỉ còn ít thời gian nữa là đến kỳ thi nhưng cho đến nay, nỗi lo lắng vẫn đeo bám với cả phụ huynh và học sinh.

Năm nay, ngoài thi Toán và Ngữ văn, học sinh phải thi thêm 2 môn Ngoại ngữ và Lịch sử nên việc học tập của học sinh bị áp lực hơn. Tháng 3/2019, Sở GD-ĐT Hà Nội mới công bố môn thứ 4 là Lịch sử nên thời gian để học sinh ôn luyện thì ít mà dung lượng kiến thức lại nhiều.

Đó là tâm sự của chị Nguyễn Thu Hồng, quận Hoàn Kiếm có con đang phải “căng mình” học tập.

Vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 trường chuyên, các phụ huynh lại tiếp tục lo lắng cho con bước vào kỳ thi lớp 10 công lập (ảnh minh họa)

Chỉ còn ít thời gian nữa là diễn ra kỳ thi vào lớp 10 công lập nên chị đã khuyên con học tập có trọng tâm để giữ gìn sức khỏe tốt cho những ngày thi. Thế nhưng, hầu như ngày nào con cũng học từ sáng đến tối khiến chị cứ thấp thỏm không yên, mong sao kỳ thi diễn ra suôn sẻ, con làm được bài.

Không chỉ lo lắng về việc học tập căng thẳng của con, chị Thu Hồng còn băn khoăn, tính toán đến đau đầu sao cho con thi đỗ vào lớp 10 trường công lập.

Năm nay, con chị đăng ký nguyện vọng 1 là trường THPT Việt Đức và nguyện vọng 2 là trường Đoàn Kết-Hai Bà Trưng. Thế nhưng, như 2 trường này thường có điểm gần sát nhau. Đặc biệt năm nay, số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 2 vào trường Đoàn Kết-Hai Bà Trưng lên tới 2.935 em nên tỷ lệ đỗ vào trường công còn khá mong manh.

Khi biết tỷ lệ chọi học sinh đăng ký vào nguyện vọng 1 và 2 đều cao ở hai trường trên, chị Minh Hồng rất lo lắng nhưng cũng chỉ biết đi làm về là tranh thủ nấu cơm nước, chăm sóc sức khỏe, động viên con thi tốt mà thôi.

Lo ngại chất lượng và kinh phí học ở trường ngoài công lập

Cũng trong tình trạng học hành căng thẳng, con của chị Đỗ Minh Hòa đang học bán trú tại một trường ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cả ngày đi học chính khóa, chỉ còn buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần, cháu đều phải đi học thêm.

Thấy kiến thức do giáo viên giảng dạy ở trường khác xa so với kiến thức đi học thêm và số lượng môn thi vào lớp 10 tăng từ 2 môn lên 4 môn nên môn nào chị Hòa cũng cho con đi học thêm. Mỗi môn ít nhất là 2 buổi/tuần.

Tuy nhiên, điều mà chị Minh Hòa lo lắng là sách giáo khoa thì lại nhiều, việc phổ biến phương thức học tập cho học sinh chưa rõ ràng nên chị và con còn lúng túng. Ví dụ như năm nay bổ sung môn Lịch sử vào kỳ thi vào 10, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội đã thông tin là học sinh phải nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa chính thống.

Thế nhưng, cô giáo ở lớp lại đưa thêm vào giảng dạy một quyển sách Lịch sử khác nên nhiều khi con chị lúng túng không biết ôn tập theo sách nào, phương pháp ôn luyện kiểu gì để đạt kết quả cao nhất.

Ở Quận Cầu Giấy, con chị Hòa chọn 2 trường là THPT Yên Hòa và Quang Trung. Nếu 2 trường này có thể điểm thi sát nhau mà con chị nếu không đỗ thì chị vẫn phải chọn lựa trường ngoài công lập. Tuy nhiên, chị và nhiều phụ huynh khác cũng lo lắng là chất lượng giảng dạy ở trường ngoài công lập cũng như kinh phí để trang trải cho con khi học ở đây.

Phụ huynh Lê Hoài Tú.

Cũng trong tâm trạng lo lắng khi con học hành căng thẳng và mong muốn đỗ vào trường công lập, chị Lê Hoài Tú, ở Hà Đông, Hà Nội cho biết, phụ huynh nào cũng muốn con đỗ vào trường công lập nhưng tỷ lệ học sinh vào học chỉ có 64%. Trong khi đó, nhiều trường cùng 1 quận lấy điểm chuẩn sát gần nhau. Nếu học sinh đăng ký nguyện vọng 2 phải có điểm thi cao hơn nguyện vọng từ 1,5 đến 2 điểm. Vì vậy, áp lực đỗ vào trường công lập luôn đè nặng lên cả phụ huynh và học sinh.

Để con tiếp tục học lên THPT, chị Tú đã chuẩn bị 9 bộ hồ sơ cho con thi vào các trường chuyên, trường công lập và các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Theo giải thích của chị Tú, phải cho các cháu học lên THPT vì ở 14 tuổi nếu không đi học thì các cháu không biết làm gì. Còn nếu chuyển sang học nghề thì gia đình chị chưa nghĩ tới vì muốn cháu có thêm kiến thức để học hết lớp 12 và xét tuyển vào ĐH.

Tuy nhiên, điều mà chị Tú quan tâm nhất là nếu không đỗ trường công lập thì phải chọn trường ngoài công lập đảm bảo chất lượng và phù hợp với đồng lương ít ỏi của gia đình công chức như chị khi phải nuôi 2 con ăn học khá tốn kém.

Không chỉ có các phụ huynh thấp thỏm lo cho con đỗ vào lớp 10 trường công lập mà các em học sinh cũng phải căng thẳng trong học tập vì có thêm 2 môn thi và đắn đo lựa chọn trường thi.

Áp lực học hành căng thẳng đè lên vai học sinh

Nguyễn Tuấn Đạt, học sinh trường THCS Hai Bà Trưng cho biết: “Cháu vốn không học giỏi Ngoại ngữ nên khi biết kỳ thi vào lớp 10 năm nay có thêm môn này, bố mẹ đã thuê thêm gia sư tới nhà để dạy học cho cháu vào 2 buổi tối/tuần.

Áp lực học hành, ôn luyện và đỗ vào lớp 10 trường công lập đang đè nặng lên vai học sinh lớp 9 (ảnh minh họa)

Ngoài ra, từ khi biết có thêm môn Lịch sử từ tháng 3 đến nay, cháu cũng phải dành khá nhiều thời gian cho việc ôn tập môn ngày. Không những thế, cháu còn phải học thêm các môn Toán và Ngữ văn nên ngày nào cũng phải học thêm và tự ôn”.

Dưới áp lực thi đỗ vào lớp 10 trường công lập, để an toàn hơn, Tuấn Đạt đăng ký vào hai trường THPT Đoàn kết-Hai Bà Trưng và THPT Trần Nhân Tông.

Tuy nhiên, Đạt cũng ngờ rằng năm nay, đây cũng là sự lựa chọn với tính toán an toàn của rất nhiều thí sinh có lực học ở mức Khá như Đạt. Vì thế, tỷ lệ chọi của hai trường này ở mức khá cao. Nếu chỉ tính riêng nguyện vọng một, tỷ lệ này là 1/1,4.

Nếu tính cả nguyện vọng hai thì con số này còn lớn hơn rất nhiều. Trường THPT Trần Nhân Tông tuyển 675 chỉ tiêu nhưng có tới gần 2.500 học sinh đăng ký. Con số này ở trường THPT Đoàn kết-Hai Bà Trưng là trên 3.800 nguyện vọng dự tuyển, cạnh tranh 720 chỉ tiêu.

“Hai trường này là lựa chọn phù hợp nhất với em vì mọi năm điểm chuẩn không cao, nhưng xem chừng năm nay cũng rất khó khăn. Nếu không đỗ, em sẽ phải học trường tư hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên”, Tuấn Đạt chia sẻ.

Cũng mong muốn đỗ vào lớp 10 trường công lập, Trần Ngọc Hà, trường THCS Ngô Sĩ Liên có kế hoạch học tập đều đặn các môn từ đầu năm lớp 9. Thế nhưng, năm nay có thêm 2 môn thi nữa khiến cho việc ôn luyện của em trở nên nhiều hơn.

Năm nay phải thi tới  4 môn và là năm đầu tiên sau mấy chục năm chỉ lấy điểm thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS nên Ngọc Hà cảm thấy lo lắng, không biết đề thi môn Ngoại ngữ và Lịch sử sẽ ra theo hướng nào.

Mặc dù em đã tham gia làm đề thi thử nhưng kết quả không được như mong đợi. Vì thế, Hà chỉ biết đặt quyết tâm cao nhất là ôn luyện cho tốt hơn và mong ước đỗ vào trường Trần Phú-Hoàn Kiếm ngay từ nguyện vọng 1.

Có thể nói, chỉ còn ít thời gian nữa là diễn ra kỳ thi vào lớp 10 trường công lập nhưng học sinh và phụ huynh ở Hà Nội vẫn như đang “ngồi trên đống lửa” vì áp lực đỗ vào trường công lập và họ hành, ôn luyện căng thẳng./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm