Cập nhật: 11/06/2019 15:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

KCNA cho rằng, chính sách kiêu ngạo và đơn phương của Mỹ sẽ không bao giờ có tác dụng đối với Triều Tiên, quốc gia vốn coi trọng chủ quyền.

Truyền thông Nhà nước Triều Tiên ngày 11/6 kêu gọi Mỹ rút lại chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng, nếu không, những thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore một năm trước có thể trở thành “giấy lộn”.

 

Các cuộc đàm phán về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3 vẫn đang diễn ra. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố của Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) lặp lại cảnh báo tương tự được đưa ra hồi tuần trước, phản ánh sự bế tắc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

“Chính sách kiêu ngạo và đơn phương của Mỹ sẽ không bao giờ có tác dụng đối Triều Tiên, quốc gia vốn coi trọng chủ quyền”, KCNA thông báo.

KCNA cũng cho biết, một bản tuyên bố chung 4 điểm được ông Trump và ông Kim ký ngày 12/6/2018 cam kết hướng tới mối quan hệ mới có nguy cơ trở thành tờ giấy lộn vì Mỹ đang nhắm mắt làm ngơ đối với việc thực thi nó.

 “Bây giờ là lúc để Mỹ rút lại chính sách thù địch của họ liên quan đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”, KCNA nhấn mạnh.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua (10/6) cho biết, ông tin rằng các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và giữa Triều Tiên với Mỹ sẽ sớm được nối lại.

Theo tiết lộ của ông Moon, các cuộc đàm phán về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3 vẫn đang diễn ra. Tổng thống Mỹ Trump tuần trước cũng cho biết, ông mong muốn được gặp ông Kim vào thời điểm thích hợp.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ngày 10/6 cho biết, Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo dự kiến sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng này và sau đó sẽ đến Hàn Quốc gặp Tổng thống Moon để tiếp tục phối hợp giải quyết, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên./.

Theo Hùng Cường/VOV.VN

Tệp đính kèm