Cập nhật: 12/06/2019 10:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chỉ còn hai tuần nữa, Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 sẽ chính thức bắt đầu. Các địa phương đang tích cực rà soát công tác chuẩn bị, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề đảm bảo an ninh.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ động viên học sinh lớp 12A1 trường Trung học phổ thông Chu Văn An, tỉnh Yên Bái, sắp tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị cho Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019 sẽ diễn ra vào ngày 24/6 tới.

Sau sự cố gian lận thi cử gây chấn động cả nước năm 2018, năm nay, công tác an ninh, đảm bảo kỳ thi nghiêm túc được Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đặc biệt chú trọng.

Cách ly cán bộ làm phách, chấm thi

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa về công tác chuẩn bị thi, ngày 10/6, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Chỉ đạo thi Trung học Phổ thông quốc gia tỉnh Nghệ An, cho biết, toàn tỉnh có hơn 32.000 thí sinh đăng ký dự thi. Với số lượng thí sinh trên, Nghệ An là một trong bốn tỉnh, thành có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước.

Địa phương đã huy động trên 3.300 cán bộ, giám thị làm công tác coi thi và gần 5.000 người làm công tác phục vụ, bảo vệ kỳ thi. Tỉnh cũng đã có kế hoạch bố trí cơ sở vật chất cho khu vực bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi, hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát theo đúng quy định của quy chế thi và các văn bản hướng dẫn.

Đặc biệt, để đảm bảo việc chấm thi được an toàn, nghiêm túc, Nghệ An cho biết sẽ tổ chức làm phách và chấm thi tập trung.

"Cụ thể, tất cả các cán bộ tham gia làm phách, chấm thi của Nghệ An sẽ không được phép sáng đi, chiều về như các tỉnh khác mà phải lưu trú tại khu vực làm phách, chấm thi từ lúc bắt đầu nhận nhiệm vụ đến khi hoàn tất công tác chấm thi, cách ly hoàn toàn," ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nói. Cũng theo ông Thành, hiện Nghệ An là tỉnh duy nhất trong cả nước thực hiện theo phương án này.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với Phó giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, ông Trần Đức Ánh, về phương án đảm bảo an toàn, an ninh kỳ thi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tăng lực lượng an ninh

Tại Điện Biên, công tác đảm bảo an ninh kỳ thi được đặc biệt chú trọng. Theo ông Nguyễn Ngọc Bội, Trưởng Phòng PA83, Công an tỉnh Điện Biên, thành viên Ban Chỉ đạo thi của tỉnh, năm nay lực lượng công an sẽ tham gia hầu hết các khâu của kỳ thi. Vì vậy, việc lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn tham gia được tỉnh Điện Biên hết sức quan tâm.

“So với năm ngoái, năm nay, lực lượng công an tham gia bảo vệ kỳ thi tăng hơn rất nhiều. Dự kiến, chúng tôi sẽ huy động khoảng 250 cán bộ chiến sỹ tham gia từ bảo quản đề thi, bài thi, an ninh, an toàn tại các khu vực thi, tới đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống chảy nổ…”, ông Bội cho hay.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị an ninh của Điện Biên, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi của tỉnh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh tới công tác tập huấn thanh tra để lực lượng này nắm rõ quy trình. Theo Thứ trưởng Độ, nếu thanh tra không nắm được quy chế, quy trình sẽ chỉ là những người đến “xem thi” chứ không phải giám sát kỳ thi. Tất cả các khâu của kỳ thi đều phải thể hiện được vai trò của thanh tra.

Kiểm tra công tác thi tại Yên Bái, ông Độ cũng đề nghị công an tỉnh có phương án đảm bảo an toàn, an ninh nghiêm ngặt cho trường thi. “Tuyệt đối không để bên ngoài có thể nhìn vào bên trong phòng thi hoặc xâm nhập trường thi, gây guy cơ lộ lọt đề, gian lận trong quá trình làm bài,” ông Độ nói.

Lựa chọn cán bộ làm công tác thi là yếu tố được đặc biệt chú trọng trong kỳ thi năm nay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cẩn trọng lựa chọn nhân sự

Rút kinh nghiệm từ việc cán bộ làm công tác thi thoái hóa biến chất, móc nối với nhau thực hiện gian lận thi cử gây chấn động cả nước trong năm 2018, việc lựa chọn nhân sự cho kỳ thi được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Theo ông Phạm Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình, lựa chọn cán bộ tham gia thi là yếu tố cốt lõi để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, là bài học đắt giá mà các tỉnh rút ra sau gian lận thi cử tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.

“Chúng tôi yêu cầu các trường, phòng giáo dục đào tạo và các đơn vị liên quan chọn người làm công tác thi không chỉ có chuyên môn tốt mà còn phải có phẩm chất, đạo đức tốt,” ông Toàn cho hay.

Đây cũng là vấn đề được Ban Chỉ đạo thi quốc gia luôn nhắc đi nhắc lại với các địa phương.

Tại Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu Ban Chỉ đạo thi của tỉnh quán triệt với cán bộ coi thi về quy chế thi, thực hiện nghiêm túc các quy định của Kỳ thi. Trong quá trình tổ chức thi, đặc biệt chú trọng đến công tác con người, lựa chọn những người có kinh nghiệm, uy tín, trách nhiệm, có bản lĩnh, có nghiệp vụ.

Làm việc với tỉnh Điện Biên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ dẫn bài học thực tế gần đây về việc hai giám thị ở Quảng Bình ký nhầm, ảnh hưởng đến thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh, Thứ trưởng Độ mong muốn Điện Biên tiếp tục thực hiện công tác quán triệt đến đội ngũ cán bộ làm công tác coi thi để tránh những sai sót nhỏ dẫn tới hệ lụy lớn.

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Yên Bái, ông Độ cũng lưu ý công tác chọn nhân lực “phải được thực hiện kỹ lưỡng, cẩn trọng, để có được những cán bộ vững chuyên môn, có ý thức chính trị tốt, tinh thần trách nhiệm cao.”

“Với kỳ thi này, tôi nhấn mạnh bốn khía cạnh: nắm chắc quy chế, chuẩn bị các điều kiện, kiểm soát tình hình, xử lý tình huống. Phân công rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ sản phẩm. Năm rõ này nếu chúng ta làm tốt thì sẽ kiểm soát tốt được các khâu của kỳ thi,” ông Độ nói.

Theo Hà An (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/thi-thpt-quoc-gia-2019-siet-an-ninh-de-dam-bao-ky-thi-nghiem-tuc/574048.vnp

 

Tệp đính kèm