Ngày 12/6, Hội thảo khoa học quốc gia “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21” đã diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Hội thảo khoa học về sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Hội thảo lần này là cơ hội để các học giả trao đổi, hợp tác nghiên cứu các vấn đề của hệ thống giáo dục quốc dân để thích ứng với thời đại toàn cầu hóa, góp phần đưa các Nghị quyết 29 và Nghị quyết 19 về đổi mới giáo dục sớm đi vào cuộc sống.
Tại hội thảo, TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có những chia sẻ về hệ thống giáo dục mở, nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nhân lực, phát triển giáo dục nghê nghiệp theo hướng mở liên thông.
Theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, giáo dục nghề nghiệp phải gắn liền với chiến lược việc làm. Trong nền giáo dục luôn có sự mâu thuẫn giữa số lượng và chất lượng. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải tiếp cận với các doanh nghiệp, Hiện nay, tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã có tác động đến giáo dục nghề nghiệp và việc làm, tạo ra hiệu ứng triệt tiêu và hiệu ứng căn bản.
TS. Phan Chính Thức (Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và công tác xã hội) dự đoán, sẽ là quá muộn nếu ngay bây giờ không sớm khởi động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2011-2030. Theo TS. Phan Chính Thức, có thể nhìn nhận phát triển giáo dục nghề nghiệp theo một số hướng tiếp cận chủ yếu như: Giáo dục nghề nghiệp tiếp cận theo hướng mở, liên thông tạo cơ hội cho mọi người học suốt đời và góp phần xây dựng xã hội học tập; giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với cơ hội việc làm, việc làm bền vững và phát triển bền vững; giáo dục nghề nghiệp tiếp cận theo hướng đảm bảo chất chất lượng và hiệu quả…
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, mức độ cạnh trạnh kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới ngày càng quyết liệt hơn. Trong bối cảnh đó, nguồn lực con người, trí tuệ của người Việt Nam lẽ ra phải là điểm mạnh và lợi thế nhất trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa khai thác hiệu quả nguồn lực này để phát triển đất nước. Muốn khai thác và phát huy tốt nguồn nhân lực đó, Việt Nam phải có một nền giáo dục mở hiện đại, có hệ thống mạng lưới được sắp xếp khoa học, phát huy truyền thống và trí tuệ Việt Nam, với tư duy đổi mới không ngừng.
Hội thảo “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21”, đã đặt ra cho toàn ngành giáo dục-đào tạo và một số bộ, ngành liên quan những nhiệm vụ cần quan tâm giải quyết, đồng thời, gợi mở các vấn đề cần được đi sâu và nghiên cứu.
Bên cạnh các phát biểu trực tiếp tại hội thảo, còn có hơn 100 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo đến từ các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp trong cả nước gửi tới, đã mang đến những quan điểm, góc nhìn mới mẻ, mang tính khoa học, để trao đổi, chia sẻ nhận thức và kinh nghiệm phát triển giáo dục đào tạo, trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế.
Theo Nhật Nam/chinhphu.vn