Cập nhật: 13/07/2019 10:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hầu hết các địa phương trên cả nước đã hoàn thành chấm thi. Theo một số cán bộ chấm thi, đề thi/bài thi các môn có độ phân hóa tốt, phổ điểm sẽ đẹp...

Phổ điểm đẹp, phân hóa tốt?

TS. Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, công tác chấm thi đang được thực hiện đúng tiến độ và quy định của Bộ. Bộ GD-ĐT đang tiếp tục triển khai các công việc cụ thể để khâu chấm thi bảo đảm an toàn, trung thực. Sau ngày 14/7, sẽ triển khai xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh, đồng thời chỉ đạo các trường ĐH chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh năm 2019.

Ngày 14/7, các Sở GD-ĐT sẽ công bố điểm thi THPT Quốc gia 2019.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2019 lớn thứ 2 cả nước (sau Hà Nội) với gần 71.000 thí sinh. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, toàn TP đã hoàn tất việc chấm gần 70.000 bài thi môn Ngữ văn - môn tự luận. Nhận định chung của nhiều giám khảo chấm thi môn Ngữ văn, điểm thi năm nay nhìn chung không cao. Phổ điểm dao động từ 5,5 - 6 chiếm số lượng nhiều nhất. Đa số thí sinh bị mất điểm ở câu đọc hiểu và rất nhiều thí sinh cũng bị mất điểm ở phần nghị luận văn học. Theo thống kê từ Hội đồng chấm, trong số gần 70.000 bài thi Ngữ văn có 6 bài thi đạt điểm 9, có 61.325 bài thi đạt điểm từ trung bình trở lên (chiếm tỷ lệ 89,4%). Trong đó, số bài thi dưới mức điểm 5 chiếm tỷ lệ khoảng 8,9% và số bài thi đạt điểm 8 là 1.366 bài (tỷ lệ 1,9%), có 0,06% bài thi dưới 2 điểm.

Năm 2019, Sở GD-ĐT Hà Nội giao cho ĐH Quốc gia Hà Nội phụ trách chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm của thành phố Hà Nội trong kỳ thi THPT Quốc gia, bao gồm hơn 74.000 bài thi môn Toán, hơn 65.000 bài thi môn Ngoại ngữ, hơn 27.000 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và hơn 53.000 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Nhiều giáo viên nhận xét, đề Toán năm nay hay, phù hợp với kỳ thi “2 trong 1”; phân loại rõ học sinh; học sinh trung bình khá và khá có thể đạt được 6 - 7 điểm. Điểm môn Toán sẽ cao hơn năm trước nhưng không quá cao như năm 2017 và phổ điểm sẽ đẹp.

Thầy Phạm Văn Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, nhận định về đề Lý, 24 câu đầu học sinh dễ lấy 6 điểm (phù hợp tiêu chí xét tốt nghiệp mới của Bộ GD-ĐT). Có thể phổ điểm rơi vào ngưỡng 6 - 7 điểm, điểm 8 và 9 sẽ nhiều hơn năm ngoái, điểm 10 sẽ ít. Phần khó đề ra vẫn dài và nặng về Toán.

Với môn Sử, theo nhận định của nhiều giáo viên, phổ điểm sẽ tập trung vào phân khúc từ 4 đến 7 điểm. Điểm 8 và 9 có mật độ cao hơn so với năm ngoái. Điểm 10 sẽ có nhưng không nhiều, chiếm tỉ lệ phần trăm nhỏ khoảng 0,5 - 0,8%. Với môn Địa lý, nhiều giáo viên cho rằng, phổ điểm trung bình đạt 6 - 7 điểm cao hơn năm trước. Điểm 9 sẽ nhiều và mức 9,5 - 10 điểm thì ít. Với môn Tiếng Anh, theo cô Vũ Thị Mai Phương, giáo viên tại Hà Nội, đề năm nay dễ hơn năm ngoái nên phổ điểm ở mức 6 - 8 là nhiều và lượng học sinh học khối A1, D sẽ đạt điểm 8 - 10 nhiều hơn năm ngoái. Nhiều thầy cô dự đoán năm nay Hà Nội sẽ tăng số bài thi đạt điểm 10.

 TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: Còn chờ phổ điểm thi như thế nào thì mới khẳng định được kỳ thi có thành công hay không? Phổ điểm thi đảm bảo độ phân hóa tốt, sẽ thuận lợi cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ.  Phổ điểm phân bố chuẩn là độ phân giải cao, còn phân bố không chuẩn thì mức độ sàng lọc, lựa chọn thí sinh khó hơn. Điều này liên quan đến kỹ thuật làm đề thi trắc nghiệm như thế nào?. Mấy năm nay ngân hàng đề thi trắc nghiệm đã đa dạng, phong phú thì hy vọng phổ điểm sẽ tốt hơn!

 Điểm chuẩn ngành hot biến động nhiều?

Các năm trước, điểm trung bình các bài thi THPT Quốc gia chiếm 50% và điểm trung bình cả năm lớp 12 chiếm 50% điểm xét tốt nghiệp. Trong khi đó, năm 2019, điểm trung bình các bài thi THPT Quốc gia chiếm tới 70% và điểm trung bình cả năm lớp 12 chỉ chiếm 30% điểm xét tốt nghiệp. Đồng thời, với đề thi được đánh giá “dễ thở” hơn năm 2018, điểm thi THPT Quốc gia 2019 sẽ cao hơn năm 2018 và sẽ tập trung nhiều ở mức 5 - 7 điểm. Điểm 9 và 10 sẽ nhiều hơn năm 2018 nhưng sẽ khó lặp lại cảnh “mưa” điểm 10 như năm 2017. Vì vậy, với những trường tốp giữa, nếu năm 2018 mức điểm chuẩn tập trung nhiều ở mức 15 điểm thì năm nay sẽ tăng lên khoảng 16 - 19 điểm.

TS Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết đến nay chưa có kết quả chấm thi và thống kê phổ điểm đầy đủ tất cả các môn. Nhưng theo đánh giá về đề thi từ giáo viên phổ thông, TS. Phạm Tấn Hạ nhận định, kết quả điểm thi năm nay sẽ nhỉnh hơn so với năm 2018. Cùng với đó, kết quả chấm thi môn Ngữ văn của cụm thi TP.HCM cho thấy: có 61.325 bài thi đạt điểm từ trung bình trở lên (chiếm tỷ lệ 89,4%), trong đó có 1.366 bài đạt từ điểm 8 trở lên (chiếm tỷ lệ 1,9%), có 6 bài thi đạt điểm 9. Do đó, nhiều khả năng điểm chuẩn của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn và một số trường khác sẽ ở mức bằng hoặc nhỉnh hơn từ 0,5 - 1 điểm so với năm 2018. Với những ngành thu hút thí sinh như: Báo chí, Quan hệ quốc tế, Tâm lý, Quản trị nhà hàng khách sạn, Du lịch, điểm chuẩn cũng sẽ biến động.

Theo một số cán bộ chấm thi, đề thi/bài thi các môn có độ phân hóa tốt, số câu hỏi ở mức độ cơ bản cao hơn năm trước nên dự kiến số thí sinh đạt điểm trung bình và trung bình khá (5, 6, 7) sẽ nhiều hơn; điểm 8, 9, 10 giảm hơn năm 2018. Từ phân tích này, PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông nhận định: Điểm chuẩn các trường ĐH nhóm trên tăng lên chút ít hoặc có thể không tăng. Những trường đại học nhóm giữa có điểm chuẩn giữ nguyên còn nhóm dưới khả năng sẽ cao hơn năm 2018. Ông Lập dự đoán những ngành luôn hot như Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Công nghệ đa phương tiện, An toàn thông tin sẽ có điểm chuẩn cao nhất...

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội nhận định, những ngành Marketing, Kinh tế quốc tế, Quản trị khách sạn... sẽ có điểm trúng tuyển cao. Đây là những ngành ra trường dễ kiếm việc làm và trường đào tạo có uy tín đã được chứng minh nhiều năm nay.

 

 

Theo Hoàng Dũng /VOV.VN

Tệp đính kèm