Cập nhật: 01/09/2019 09:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tháng 7 vừa qua, công trình nghiên cứu “Sự đa dạng, phong phú và chức năng của tuyến trùng sống tự do trong đất ở mức độ toàn cầu” của các nhà khoa học trên thế giới được công bố trên Tạp chí Nature. Đây được coi là bộ dữ liệu toàn cầu đầu tiên về tuyến trùng sống tự do trong đất, có ý nghĩa lớn đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu, mở ra các hướng nghiên cứu và ứng dụng mới cho phát triển bền vững.

Điều đáng nói, công trình xuất sắc này có sự tham gia của một nhà khoa học nữ Việt Nam, đó là TS Nguyễn Thị Ánh Dương (trong ảnh), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). TS Nguyễn Thị Ánh Dương có hơn 10 năm nghiên cứu về tuyến trùng.

Năm 2013, TS Ánh Dương giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Ðức để làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Sinh học tại Ðại học Cologne (Ðức). Trong thời gian này, thầy giáo người Ðức đã kết nối để học trò của mình cùng nghiên cứu với các nhà khoa học quốc tế khác. TS Nguyễn Thị Ánh Dương cảm thấy may mắn và vinh dự được làm việc với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhưng đồng thời cũng cảm nhận rõ những khó khăn, thử thách bởi đây là lần đầu 70 nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực tuyến trùng học ở 57 phòng thí nghiệm trên toàn thế giới bắt tay nghiên cứu về tính đa dạng của tuyến trùng tự do trên phạm vi toàn cầu. Việc xử lý cơ sở dữ liệu của khối lượng mẫu đồ sộ khiến các nhà khoa học và cộng sự rất vất vả để đưa ra những kết luận chung nhất.

Tuyến trùng sống tự do trong đất là nhóm sinh vật nhỏ bé, không nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc cải tạo đất nhờ chức năng vận chuyển các-bon của nhóm sinh vật này. Lâu nay, sinh thái học phần lớn nghiên cứu và tập trung vào các phần "nhìn thấy" được, như thực vật, động vật cỡ lớn (hươu, nai, bò sát, ếch nhái…) mà thường bỏ qua sự đa dạng rất lớn và quan trọng của tuyến trùng. Do đó, nghiên cứu của nhóm nhằm thay đổi sự hiểu biết về sự phân bố của các nhóm tuyến trùng, mở ra một thế giới rộng lớn ẩn giấu ngay dưới chân mà hầu như chưa được biết đến.

Công trình được nghiên cứu từ năm 2013 đến năm 2018, với 6.759 mẫu đất đại diện cho các châu lục và mọi môi trường, từ vùng lãnh nguyên Bắc Cực đến rừng mưa nhiệt đới và sử dụng kính hiển vi phân tích mật độ của từng loại tuyến trùng để tạo ra một bộ dữ liệu toàn cầu. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phần mềm thống kê để xác định mức độ phong phú và đa dạng của từng loại tuyến trùng liên quan điều kiện khí hậu, đất đai và thảm thực vật tại nơi lấy mẫu. TS Nguyễn Thị Ánh Dương thực hiện và thu thập số liệu về nhóm tuyến trùng sống tự do trong đất tại Việt Nam.

Trong tổng số 73 vùng tiểu khí hậu, Việt Nam đại diện cho nhóm mẫu của vùng rừng mưa nhiệt đới. Các mẫu nghiên cứu được thu thập tại các khu bảo tồn, các Vườn quốc gia thuộc các tỉnh và thành phố: Cao Bằng, Hải Phòng, Lạng Sơn, Ninh Bình, Vĩnh Phúc... Hàng trăm mẫu đất được phân tích. Theo TS Nguyễn Thị Ánh Dương, sở dĩ chọn mẫu ở các vùng đất này là để tập trung vào hệ sinh thái núi đá vôi, là khu hệ có độ đa dạng, phong phú và đặc hữu của Việt Nam. Kết quả gây bất ngờ đối với các nhà khoa học là, số lượng tuyến trùng sống tự do trong đất lớn hơn rất nhiều so với những nghiên cứu trước đây.

Nghiên cứu cung cấp những bằng chứng cho thấy, phần lớn tuyến trùng tập trung tại những nơi có vĩ độ cao, với 38,7% ở trong các khu rừng phương bắc và lãnh nguyên trên khắp Bắc Mỹ, Scandinavia và Nga, 24,5% ở vùng ôn đới, và chỉ 20,5% ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại Việt Nam, tính đa dạng, phong phú của tuyến trùng sống tự do trong đất được ghi nhận, với trung bình 100 gam mẫu đất có từ 500 đến 2.000 cá thể tuyến trùng, từ 10 đến 24 loài. Thậm chí, có những loài mới, loài hiếm gặp trên thế giới nhưng lại là loài đặc hữu của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuy là chuyên ngành hẹp, nhưng ngành tuyến trùng mở ra những hướng nghiên cứu và ứng dụng mới cho phát triển bền vững. Chẳng hạn, cho phép các nhà quản lý đất đai đưa ra quyết định đúng đắn trong cuộc chiến chống mất mát đa dạng sinh học, xác định các loại đất cần được phục hồi. Nếu các nhà quản lý không tính tới vai trò của tuyến trùng trong kịch bản phát triển, sẽ làm tổn hại đến số lượng, số loài, gây mất cân bằng sinh thái. Bên cạnh đó, do nhóm sinh vật này rất nhạy cảm với sự nóng lên của nhiệt độ, cho nên, nó được coi như một sinh vật chỉ thị của biến đổi khí hậu, góp phần dự đoán, đánh giá sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

TS Nguyễn Thị Ánh Dương cho biết, nhóm nghiên cứu vỡ òa cảm xúc vui mừng khi công trình được công bố, điều đó có nghĩa đã được cộng đồng khoa học thế giới đánh giá rất cao và công nhận vai trò quan trọng của tuyến trùng tự do trong đất và sự bảo tồn đa dạng sinh học. Việc có bài báo, công trình đăng trên Tạp chí Nature là niềm tự hào và ước mơ của mỗi nhà khoa học.

HÀ LINH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm