Người dân thiếu nước sinh hoạt trong khi công trình nước sạch được đầu tư hàng tỷ dành cho các cụm dân cư khó khăn về nước thì bị bỏ hoang, chưa phát huy được hiệu quả. Đây là thực trạng đang diễn ra tại một số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện Sông Lô.
Năm 2008, xã Quang Yên được bàn giao thụ hưởng 3 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở thôn Đồng Dong, thôn Đồng Dạ và thôn Đồng Găng. Tuy nhiên, ngay sau khi bàn giao đưa vào khai thác sử dụng thì 2/3 công trình đã xuống cấp, hỏng, không thể đưa vào sử dụng. Hiện chỉ còn duy nhất 1 trạm bơm ở thôn Đồng Dạ là còn hoạt động nhưng tự chảy không qua bể lọc và chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu sử dụng nước của gần 40 hộ dân ở đây.
Sinh sống bên công trình cấp nước nhưng người dân lại thiếu nước sạch để sinh hoạt. Đó là thực tế đang xảy ra tại xã Lãng Công. Bởi lẽ, công trình cấp nước tập trung ở thôn Thành Công với kinh phí đầu tư hàng tỷ đồng, mục tiêu sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 300 hộ dân ở đây lại hoạt động chưa hiệu quả. Hiện công trình cấp nước tập trung này mới chỉ đáp ứng được cho 25 đến 30 hộ dân sử dụng. Do địa hình dưới là đá nên không thể đào giếng. Để có nước dùng và sản xuất, nhiều hộ dân ở đây đã phải bỏ chi phí tới 7 đến 8 triệu đồng mua đường ống dẫn nước từ trên núi về để sử dụng.
Huyện Sông Lô hiện có 7 công trình cấp nước sạch tập trung ở các xã Bạch Lưu, Như Thụy, Hải Lựu, Lãng Công do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT và Ban Dân tộc tỉnh là chủ đầu tư với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Sông Lô tại buổi giám sát chuyên đề của HĐND mới đây cho biết. Ngay sau khi được bàn giao đi vào sử dụng thì phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho các địa phương đều chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi, một số công trình còn xuống cấp nghiêm trọng và không thể đưa vào khai thác sử dụng. Nguyên nhân dẫn đến việc quản lý, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung sau đầu tư kém hiệu quả được bắt nguồn từ nhiều phía, cả khách quan lẫn chủ quan. Nhiều công trình cấp nước chưa gắn liền với công tác quản lý, vận hành, khai thác sau đầu tư. Các đơn vị thường là kiêm nhiệm, không chuyên trách quản lý vận hành nên dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.
Vậy vấn đề đặt ra hiện nay là, với các công trình cấp nước tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, hoạt động ở mức trung bình, thậm chí cả những công trình đang hoạt động tốt cũng cần phải có phương án cụ thể để khắc phục, duy trì và sử dụng bền vững, bởi ở nhiều địa phương không thể có nguồn nước thay thế tốt hơn các điểm cung cấp nước sinh hoạt tập trung cho người dân khó khăn về nguồn nước.
Nguyễn Toàn