Cập nhật: 08/12/2019 09:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Gốm sứ Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, dừa Bến Tre… đã và đang dần trở nên thân quen với người tiêu dùng trong và ngoài nước qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT). Trong xu thế hội nhập quốc tế, TMĐT sẽ trở thành kênh quảng bá mang lại hiệu quả cao để đưa các mặt hàng của làng nghề truyền thống vươn xa hơn ra thị trường.

Gốm Bát Tràng được nhiều người tiêu dùng biết đến thông qua sàn thương mại điện tử.

Vươn ra thế giới nhờ thương mại điện tử

Khi TMĐT vẫn là một khái niệm mới trong kinh doanh của một làng nghề truyền thống, anh Trần Dương Quý (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) là người đầu tiên đưa sản phẩm gốm Bát Tràng lên Internet thông qua website Bát Tràng online vào năm 2015. Anh cho biết phải mất hai năm mới cơ bản xây dựng được thương hiệu của làng gốm, để những người làm nghề hiểu được hiệu quả mà Internet mang lại, vượt qua tâm lý ngại đổi mới. Đến bây giờ, TMĐT đã rất phát triển tại Bát Tràng, nhà nhà đều kinh doanh online. Rất nhiều đơn vị bán buôn ở các tỉnh khác biết đến dòng sản phẩm mới của Bát Tràng thông qua website và mạng xã hội Facebook.

“Khi chưa có truyền thông thì số lượng bán sản phẩm rất ít, sau khi truyền thông, nhiều lúc các xưởng sản xuất không kịp để bán. Vì thế ban đầu nhiều xưởng rất dè chừng việc đăng hình ảnh sản phẩm lên website, nhưng khi bắt tay vào làm họ mới thấy “không ngờ rằng bán được nhiều như thế”. Có những xưởng ban đầu hợp tác với chúng tôi có quy mô rất nhỏ, khoảng 200m2 với quân số 6 - 8 người; sau một năm phát triển lên 60 nhân sự”, anh Trần Dương Quý chia sẻ.

Việc quảng bá sản phẩm qua TMĐT đã nâng lượng tiêu thụ của cơ sở gốm sứ Hoàn Trang (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) tăng khoảng 30% mỗi năm. Chủ cơ sở, Nghệ nhân Phùng Văn Hoàn rất ủng hộ phổ biến TMĐT trong làng nghề: “Người sản xuất như chúng tôi cũng không thể đem từng sản phẩm đến từng nhà để giới thiệu, vậy thì có thể thông qua TMĐT giới thiệu với người tiêu dùng là chất lượng ra sao, giá cả như thế nào. Người tiêu dùng hoàn toàn được hưởng lợi từ đấy”. Theo nghệ nhân, hiện nay cả một làng nghề sản xuất với tốc độ rất cao, nếu người làm nghề không tiếp cận với những kênh thông tin điện tử để đến với người tiêu dùng thì đó là thiệt thòi.

Thời điểm làng nghề Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) ra mắt sàn TMĐT mới được xem là bước đột phá giúp các sản phẩm vươn xa trên thị trường thế giới. Sàn giao dịch này đã cung cấp một kênh mua sắm an toàn, uy tín, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm Đồng Kỵ. Tất cả sản phẩm được dán tem nhãn thương hiệu "Gỗ Đồng Kỵ" và được bảo hộ độc quyền tới người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế. Từ đó, các sản phẩm mang thương hiệu “Gỗ Đồng Kỵ” ngày càng được quan tâm trên cả thị trường trong và ngoài nước.

Gốm sứ Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ và nhiều sản phẩm làng nghề khác đã được biết đến theo cách như thế. Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), việc gia nhập nền tảng thương mại điện tử B2B (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) đã giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với khách hàng, từ đó mở rộng được cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kênh bán hàng trực tuyến đem đến cơ hội cho họ bán được bán hàng trực tiếp ra nước ngoài mà không phải thông qua thương nhân nước ngoài.

Nhạy bén nắm bắt

Sự phát triển của công nghệ thông tin đang giúp cho thị trường sản phẩm làng nghề mở rộng hơn. Nếu như trước đây hầu hết làng nghề phải trông chờ vào các hội chợ, chương trình kết nối của cơ quan chức năng giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, đối tác, thì bây giờ những sản phẩm này có thể dễ dàng tìm kiếm bằng công cụ trên mạng Internet.

Bên cạnh đó, TMĐT vừa mở rộng thị trường, vừa tăng sức cạnh tranh, tạo động lực cho người làm nghề không ngừng sáng tạo để khẳng định giá trị sản phẩm. Không chỉ là chuyện làm ăn của làng nghề, việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cùng nhau lên sàn TMĐT còn góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống, đưa thương hiệu làng nghề tiến xa hơn trên thị trường.

Giới thiệu sản phẩm qua mạng điện tử, kể cả bán hàng, thanh toán qua hệ thống TMĐT đang dần trở thành xu thế tất yếu. Do đó việc ứng dụng TMĐT cho các sản phẩm làng nghề sẽ trở thành kênh quảng bá hiệu quả cao. Nhiều người làm nghề nhạy bén mới nhận định: Khi công nghệ tràn vào mà không nắm bắt thì sẽ tụt hậu. Điểm mấu chốt của TMĐT là người bán hàng phải tạo dựng niềm tin cho khách hàng, chất lượng sản phẩm phải đạt được như quảng cáo.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Bá Phú, để chuẩn bị và tham gia tốt kênh bán hàng trực tuyến Amazon, Lazada, chính các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng. Hỗ trợ cho người tiêu dùng, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và Amazon Global Selling đã thống nhất thực hiện kế hoạch phối hợp trong giai đoạn từ nay đến 2021 với các nội dung chính như: Chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam về thương mại điện tử; chương trình phát triển thương hiệu trên thương mại điện tử với Amazon; chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử.

Trong đó, chương trình xuất khẩu toàn cầu thông qua thương mại điện tử đã lựa chọn 100 doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm tiềm năng để đào tạo kỹ năng, hỗ trợ tư vấn trực tiếp và kết nối với mạng lưới dịch vụ hỗ trợ đã được thiết kế riêng cho chương trình để đưa sản phẩm xuất khẩu lên hệ thống thương mại điện tử Amazon tại Hoa Kỳ trong tháng 6-2019. Từ đó, tạo cơ hội cho sản phẩm dễ dàng đến với người tiêu dùng.

Theo HÀ ANH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm