Bé nhà em được 9 tháng tuổi, bé rất thích mút ngón tay, đặc biệt là ngón tay cái. Mỗi lần bé cho tay vào miệng tôi đều gạt tay bé ra nhưng chỉ vài phút sau bé lại đưa tay vào miệng. Xin hỏi tật mút ngón tay này gây ảnh hưởng gì không, làm sao sửa được cho bé?
Nguyễn Lan Phương (Ninh Bình)
Rất nhiều bé có thói quen mút ngón tay ở mọi nơi, mọi lúc, nhiều bà mẹ cho rằng điều đó là tự nhiên và rất bình thường. Theo thống kê chưa đầy đủ, 90% số trẻ sơ sinh khi đói sẽ mút tay và dần dần sẽ hình thành thói quen này ngay cả khi bé không đói, thậm chí đã thôi bú sữa. Đây là một thói quen xấu cần loại bỏ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mọc răng như gây răng vẩu, lệch khớp cắn, ảnh hưởng đến cung hàm và thẩm mỹ của răng. Tật mút ngón tay còn làm cho lưỡi bị đẩy ra phía trước khiến trẻ gặp khó khăn khi phát âm. Ngoài ra, thói quen này còn gây mất vệ sinh, dễ khiến trẻ mắc phải một số bệnh giun sán. Mức độ ảnh hưởng của thói quen xấu này tùy thuộc vào thời gian và số lần trẻ mút ngón tay trong ngày. Để giúp trẻ từ bỏ thói quen này, các bậc phụ huynh cần kiên trì và thử áp dụng một số biện pháp để trẻ không đưa tay lên miệng như sử dụng ống bìa cứng ôm lấy khuỷu tay trẻ khi trẻ khoảng 2-3 tháng tuổi nhưng không nên bó sát quá sẽ gây xước da trẻ, không nên sử dụng khi trẻ ngủ. Đối với con bạn, bạn có thể bôi một chất có mùi khó chịu ở ngón tay cái hoặc bọc ngón tay này bằng vải để trẻ sợ, không đưa vào miệng, dần dần có thể bỏ được tật mút ngón tay.
BS. Nguyễn Nam
Theo suckhoedoisong.vn