Chuyên gia, tiểu thương và người tiêu dùng cho rằng, nếu có tình trạng găm hàng thịt lợn chờ giá tăng cao là không chấp nhận được.
Do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu phi lây nhiễm vào Việt Nam từ đầu năm 2019 và đến cuối tháng 6 đã lan rộng, bùng phát trên phạm vi toàn quốc, từ đó đến nay, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019).
Kẻ bán người mua đều sốt ruột
Qua khảo sát tại các chợ truyến thống trên địa bàn TP Hà Nội, giá các sản phẩm thịt lợn hiện đang ở mức rất cao (lợn hơi hiện ở mức 80.000 – 90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000 – 180.000 đồng/kg, tăng 15.000 – 20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12/2019).
Bà Nguyễn Hoa Minh (phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nếu như trước đây, với 100.000 ra chợ có thể mua được thịt lợn cùng với nhiều thứ thực phẩm và rau quả khác, thì nay số tiền đó không đủ mua nổi 1 kg thịt lợn. “Giá thịt tăng nhanh theo ngày nên tôi quyết định chuyển sang ăn thịt bò, cá và các loại thịt gia cầm”, bà Minh cho hay.
Nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng cao trong thời gian gần đây.
Theo các tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, từ cuối tháng 10 trở lại đây, giá thịt lợn tăng liên tục, song mấy ngày gần đây, giá tăng vọt. Giá thịt lợn tăng cao do nguồn lợn thịt sau dịch tả châu Phi bị thiếu hụt trầm trọng. Nguồn cung và cầu đang “vênh” nhau, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng vẫn luôn coi mặt hàng thịt lợn là thiết yếu trong mỗi bữa cơm của gia đình nên giá thịt ngày càng tăng cao.
Phân tích về thị trường thịt lợn thời gian gần đây, Bộ Công Thương cho biết, đàn lợn cả nước trong tháng 11/2019 giảm mạnh 22% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.
Bên cạnh đó, việc kiểm dịch thú y, kiểm soát dịch bệnh hạn chế lưu chuyển lợn thịt và thịt lợn giữa các địa phương để tránh lây lan dịch bệnh đã gây mất cân đối cung cầu cục bộ tại một số địa phương, đẩy giá thịt lợn tăng cục bộ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Dự báo nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm giảm nhẹ khoảng 5-10% so với năm 2018 do giá quá đắt nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 300.000 – 320.000 tấn/tháng. Như vậy, dự báo nhu cầu cho tháng 11/22019 và tháng 1/2020 khoảng 600.000 tấn.
Đặc biệt theo nhận định của Bộ này, giá thịt lợn tăng dịp này còn do nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng, trong khi đó “một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn”.
Xử phạt nặng hành vi găm hàng chờ tăng giá
Đánh giá về thị trường thịt lợn, đặc biệt là tình hình cung cầu mặt hàng này dịp cuối năm, chuyên gia tế Vũ Vinh Phú cho biết, trong một vài tháng gần đây, lượng sử dụng heo hơi trên thị trường đã giảm 1/3 so với trước khi có đợt tăng giá mạnh trong vài tháng qua, nhưng giá heo hơi vẫn tăng mạnh ở các vùng miền trong cả nước.
Ngoài các những nguyên nhân về dịch bệnh, kiểm soát vận chuyển thịt lợn giữa các vùng miền trong nước,… chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, nếu đúng như báo chí phản ánh thì rõ ràng có vấn đề găm hàng đầu cơ tăng giá một cách vô lý đối với thịt lợn hơi của một số nhà chăn nuôi lớn ở phía Nam. Điều này là hoàn toàn sai với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá cả thịt lợn và giá cả thị trường, nhất là trong những ngày sắp đến Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020.
“Thịt lợn tăng giá vô lý làm cho bà con kinh doanh heo gặp khó khăn, đồng thời làm ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng xã hội. Giá thịt lợn hơi trên thị trường được hình thành có phần vô lý do những yếu tố găm hàng chờ tăng giá”, ông Phú bức xúc.
Do đó, để làm tốt công tác bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn dịp cuối năm, ông Phú đề nghị các cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế, giá cả tài chính phải vào cuộc sớm để kết luận chính xác vấn đề báo chí, các hiệp hội chăn nuôi, bà con tiểu thương đã phản ảnh. Cần rà soát kiểm tra giá bán heo hơi của các công ty chăn nuôi lớn ở phía Bắc, miền Trung nếu có những hiện tượng này cũng phải xử lý kiên quyết.
“Buôn bán thì ai cũng muốn có lãi, song lãi cao cho mình mà đem lại những thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của xã hội thì không thể chấp nhận. Luật giá đã quy định, trong những trường hợp cần thiết các cơ quan quản lý giá ở các địa phương và Trung ương có thể áp dụng hình thức kê khai giá để kiểm soát thị trường giá cả tránh đầu cơ lợi dụng tăng giá. Thiết nghĩ đây là một việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để sớm bình ổn lại thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm”, ông Phú nêu rõ.
Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang có kế hoạch thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào việc kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN