Cập nhật: 31/12/2019 15:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ nước thiếu ăn, bao cấp, hiện tại nước ta đã trở thành nước xuất khẩu lớn tầm cỡ thế giới và khu vực, đứng thứ 22 thế giới.

Chiều 30/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD. Nếu như giữa tháng 12/2017, kim ngạch thương mại của Việt Nam đạt 400 tỷ USD thì chỉ sau 2 năm, con số này đã tăng thêm hơn 100 tỷ USD, cán đích 514 tỷ USD, tính đến thời điểm diễn ra buổi lễ. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương và các bộ, ngành đẩy mạnh chế biến sâu, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó là đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua hoạt động dịch vụ du lịch.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, từ 2015-2019, kim ngạch thương mại của Việt Nam đã đạt trên 2.100 tỷ USD, cao hơn kim ngạch thương mại của cả 15 năm về trước (2000-2014) cộng lại. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh từ năm 2015 đến gần hết năm 2017, tăng từ 300 tỷ USD lên 400 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD.

Cùng với tăng kim ngạch thương mại, Việt Nam liên tục thặng dư thương mại từ năm 2012 đến nay. Nếu như năm ngoái, xuất siêu đạt gần 7 tỷ USD thì năm nay, xuất siêu đạt mốc gần 11 tỷ USD.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là sự kiện rất đáng chúc mừng, bởi từ nước thiếu ăn, bao cấp trở thành nước xuất khẩu lớn tầm cỡ thế giới và khu vực, đứng thứ 22 thế giới. Các sản phẩm của nước ta đều dồi dào và tìm hướng xuất khẩu.

Kết quả này càng có ý nghĩa trong bối cảnh chiến tranh thương mại khiến thương mại toàn cầu năm nay thấp nhất trong 10 năm. Trong các sản phẩm xuất khẩu thì nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đã nội địa hóa tới 30-40%, là sự tiến bộ quan trọng.

Thủ tướng đánh giá cao nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp có sự trưởng thành, đóng góp lớn vào xuất khẩu. Các bộ, ngành hỗ trợ xuất khẩu đã thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng Cơ chế một cửa ASEAN, cấp C/O mẫu D điện tử, hải quan điện tử, ưu tiên tín dụng xuất khẩu...

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Công thương và các bộ, ngành trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do và qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại của nước ta, trong đó phải kể đến Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Các cơ quan chức năng đã thực hiện tốt các cơ chế kiểm soát nhập khẩu. Bên cạnh các cơ quan trong nước thì các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài đã làm tốt vai trò cầu nối để đưa hàng hóa Việt Nam sang các thị trường quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Thủ tướng đánh giá cao một số ngành đã thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, trong đó có ngành chế biến gỗ rừng trồng xuất khẩu năm nay có thể đạt trên 11 tỷ USD, nông nghiệp đạt trên 41 tỷ USD. Cùng với tăng kim ngạch xuất khẩu thì tỷ lệ xuất khẩu thô đã giảm, thay vào đó là xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Một số mặt hàng tăng kim ngạch tăng quy mô, năm 2019 có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, 32 mặt hàng có kim ngạch đạt từ 1 tỷ USD trở lên.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phát huy kết quả đạt được, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu.

Thủ tướng nói: "Cần tiếp tục tạo thuận lợi cho xuất khẩu, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tức thực hiện tốt Nghị quyết 02 của Chính phủ, tiếp tục áp dụng điện tử hóa tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Tôi cũng đã giao Bộ Công thương, năm 2020, Việt Nam phải cán mốc xuất khẩu đạt 300 tỷ USD. Đây là mục tiêu quan trọng và phải có sự phân bổ cho các cơ quan, đơn vị để đạt mục tiêu này. Đi liền với mục tiêu xuất khẩu này là phải phấn đấu năm thứ 5 Việt Nam xuất siêu. Các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phối hợp, hợp tác, chia sẻ cùng có lợi, cùng kinh doanh với các doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị".

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng vệ để bảo vệ hàng hóa trong nước. Chủ động hiểu biết để tránh các vụ kiện quốc tế. Tiếp tục phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống C/O giả mạo.

Theo thông tin của Tổng cục Hải quan, nếu như trước đây, hàng hóa của Việt Nam chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, thì từ 2013, hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu mạnh sang nhiều thị trường khác như EU, Hàn Quốc.

Một trong những giải pháp của thúc đẩy xuất nhập khẩu là đơn giản hóa thủ tục hải quan. Số lượng doanh nghiệp khai theo phương thức điện tử chiếm 99,98%, trị giá khai theo thủ tục hải quan điện tử cũng đạt tới 99,34%.

Tính đến giữa tháng 12, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 188 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với trên 2,7 triệu hồ sơ của 34.000 doanh nghiệp.

Theo Bộ Công thương, điều đáng mừng là trong kim ngạch thương mại này, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng mạnh, năm nay tiếp tục là năm thứ 3 liên tiếp tăng trên 10%. 

Theo Vũ Dũng/VOV.VN

Tệp đính kèm