Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Sau đây là 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2019 do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn.
Tăng trưởng kinh tế 2019 đầy khả quan .(Ảnh: HNV)
1. Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030:
Ngày 20/8/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Nghị quyết 50/NQ -TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Chính trị có thể nói chính là “nghị quyết của niềm tin”. Khi Nghị quyết được ban hành, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, mà dư luận xã hội nói chung thêm tin tưởng vào các định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam.
2. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội chung năm 2019 của Tổng cục Thống kê mới công bố chiều 27/12, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 tăng 7,02%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (khoảng 6,6-6,8%) và cũng cao hơn dự báo của nhiều tổ chức quốc tế. Trong đó, tăng trưởng các quý của năm 2019 đạt lần lượt 6,82%, 6,73%, 7,48% và 6,97%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011.
Mô hình dự án Càng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh tư liệu)
3. Quốc hội thông qua dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1
Với 435/455 đại biểu tán thành, chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Quốc hội cũng giao Chính phủ xem xét, quyết định tổng mức đầu tư của dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và bảo đảm tổng mức đầu tư toàn bộ dự án sân bay Long Thành không vượt tổng mức đầu tư theo nghị quyết số 94 của Quốc hội (336.630 tỷ đồng, tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá năm 2014).
4. Việt Nam chính thức bước vào kỷ nguyên CPTPP
Kể từ 14/1/2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Tác động của CPTPP tới nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính Việt Nam.
Trước đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12/11/2018. Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 14/1/2019, Hiệp định này mới chính thức có hiệu lực.
Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD và hơn 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.
Không chỉ mở ra những cơ hội mới về giao thương, CPTPP với những tiêu chuẩn cao còn tạo thêm động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. (Ảnh: HNV)
5. Việt Nam và EU ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) sau 9 năm đàm phán
Ngày 30/6 tại Hà Nội, Việt Nam và EU ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) sau 9 năm đàm phán. EVFTA mở ra cơ hội lớn cho thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU, là hiệp định thương mại tham vọng nhất EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể. Theo tính toán, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân 4-6%/năm trong 10 năm đầu kể từ khi hiệp định có hiệu lực.
Hiệp định IPA gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư và sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam. Hiệp định này khi có hiệu lực sẽ tạo ra khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường minh bạch.
6.Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước 1 năm
Tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 4.522 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,8% tổng số xã, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015, về đích trước hơn 1 năm so với mục tiêu 50% xã số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020; số tiêu chí bình quân/xã đạt 15,26 tiêu chí, vượt mục tiêu 15 tiêu chí/xã vào năm 2020; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Ở cấp huyện, có 89/644 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 12,7% tổng số huyện, tăng 74 huyện so với năm 2015.
Chương trình đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, với mục tiêu chủ đạo là xây dựng nông nghiệp, nông thôn với cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Phát triển nông thôn hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua gần 10 năm thực hiện, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, Chương trình đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như: Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả cao; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao.
Ghi nhận mức xuất siêu năm 2019 đạt kỷ lục. (Ảnh tư liệu)
7. Xuất siêu đạt kỷ lục
Ước tính năm 2019 nước ta xuất siêu 9,9 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay. Kết quả này là nỗ lực lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung và việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.
8. Năm thứ 3 liên tiếp CPI tăng ở mức thấp
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra và cũng là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.
Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm 2019 dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do nhà nước quản lý đặt ra trong năm 2019. Cụ thể, lạm phát cơ bản năm 2019 tăng 2,01% so với năm 2018. Trong năm 2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản.
9. Dịch tả lợn châu Phi hoành hành
Từ ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2, trong vòng bẩy tháng, dịch tả lợn châu Phi phủ khắp 63 tỉnh, thành. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đây là dịch bệnh lịch sử, làm suy giảm ở mức chưa từng thấy với ngành, buộc Việt Nam phải xem xét lại chiến lược 10 năm chăn nuôi. Bệnh dịch khiến tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp chỉ đạt 2,7% thay vì mức 3,5-4% như dự báo trước đó.
Khoảng 6 triệu con lợn, tổng trọng lượng gần 325.000 tấn đã bị tiêu hủy, làm giảm trên 8% sản lượng thịt lợn cả nước. Nhiều địa phương phải chi hàng nghìn tỷ đồng để ngăn chặn dịch. Tổng thiệt hại đến nay chưa thể đo đếm hết.
Việc thiếu hụt sản lượng đẩy giá thịt lợn tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng vài tháng. 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam phải nhập khẩu gần 100.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 101% về lượng và tăng gần 95% về trị giá.
Trước nguy cơ thiếu 200.000 tấn thịt lợn dịp cuối năm, Chính phủ dự kiến tiếp tục nhập khẩu thịt lợn và tổ chức các biện pháp bình ổn giá. Các mặt hàng khác như thủy sản, gia cầm, trứng, trâu bò... được chuẩn bị để bù đắp cho việc thiếu thịt lợn dịp Tết Nguyên đán.
Năm thứ tư thu NSNN vượt dự toán .(Ảnh tư liệu)
10. Năm thứ tư liên tiếp thu NSNN vượt dự toán
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của ngành Tài chính trong thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2019 ước tính đạt 1.414,3 nghìn tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán năm. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 23,7% GDP. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đây là một kết quả đáng ghi nhận, là năm thứ tư liên tiếp thu NSNN vượt dự toán, trong đó thu NSTW cũng là năm thứ hai vượt dự toán.
Ban Chuyên đề/Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam