“Tết này có 2 cái lo, lo thứ nhất là vấn đề thịt lợn. Tiếp đến là an toàn thực phẩm. Vừa qua cơ quan quản lý thị trường liên tiếp bắt các vụ vi phạm an toàn thực phẩm", ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị TP.Hà Nội nói.
Hội thảo về diễn biến thị trường và giá cả năm 2019, dự báo năm 2020 diễn ra sáng nay (3/1).
Siêu thị chưa chắc an toàn
Tại hội thảo về diễn biến thị trường và giá cả năm 2019, dự báo năm 2020 diễn ra sáng nay (3/1), bên cạnh việc đề cập những biến động về giá cả, nhiều ý kiến cũng lo ngại “vấn nạn" thực phẩm bẩn.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị TP.Hà Nội cho rằng, hàng hoá phục vụ dịp Tết vô cùng phong phú. Năm 2019, ngành bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng lớn của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi….
Tuy nhiên, theo ông Phú, bên cạnh sự dồi dào của nguồn cung, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm.
“Tết này có 2 cái lo, lo thứ nhất là vấn đề thịt lợn. Tiếp đến là an toàn thực phẩm. Vừa qua cơ quan quản lý thị trường liên tiếp bắt các vụ vi phạm an toàn thực phẩm", ông Phú nói.
Đáng lưu ý theo ông Phú, mới đây cơ quan quản lý thị trường còn phát hiện và bắt giữ 2 xe container chở theo số lượng lớn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc ngay tại sân siêu thị MM Mega Market.
“Tôi cho rằng, siêu thị chưa chắc an toàn 100%, mà hàng hoá bên ngoài còn sợ hơn nữa”, ông Phú nói. Theo vị này, vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam thực sự rất đáng lo ngại dù trong thời gian gần đây cũng đang có chiều hướng giảm bớt.
Trao đổi thêm với phóng viên bên lề hội thảo, ông Vũ Vinh Phú cho biết, thời gian gần đây hàng hoá có xu hướng sạch đang được doanh nghiệp phát triển hơn nhiều, tuy nhiên mới chỉ chiếm khoảng 20%.
Do chiết khấu cao nên theo ông Vũ Vinh Phú, nhiều doanh nghiệp bán đồ sạch khó len lỏi vào siêu thị, không ít đơn vị phải chấp nhận bán trôi nổi bên ngoài với hàng bẩn.
Ông Phú cũng chia sẻ, tại các hệ thống siêu thị, nếu không kiểm soát chặt chẽ thì cũng dễ bị "tuồn" hàng không đảm bảo chất lượng vào.
“Phải kiểm soát thật tốt, cả hệ thống người thu mua, phải cử người xuống chỗ sản xuất hàng hoá. Làm đồng bộ thường xuyên và cũng đừng ăn chiết khấu cao quá bởi như vậy dễ khiến nhiều nhà sản xuất họ trộn hàng hoá linh tinh vào”, ông Phú nói.
Về vấn đề quản lý hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng dịp tết, ông Phú cho rằng, nên đẩy mạnh xử lý từ gốc, tức là phải mạnh tay kiểm tra, kiểm soát từ khâu sản xuất.
“Còn khi đã để hàng hoá đến tay cả trăm nghìn bà tiểu thương ở ngoài thì rất khó kiểm soát", ông Phú nhấn mạnh.
Giá thịt lợn có thể leo cao dịp Tết
Ông Vũ Vinh Phú cho biết thêm, giá thịt lợn vẫn leo thang từng ngày. Một số nơi còn bán loại ngon nhất lên tới 250.000 đồng/kg. Như vậy, giá thịt lợn đã tăng hơn 50% với thời điểm chưa có dịch bùng phát ở Việt Nam.
Cùng với nỗ lo thực phẩm bẩn, ông Phú cho rằng, Tết năm nay lo thịt lợn sẽ tiếp tục tăng giá. Giá lợn tăng nhanh tác động tới túi tiền của người tiêu dùng, tác động lên nhiều mặt hàng khác.
[video]/upload/2019/VIDEO/new-folder/TP.mp4[/video]
Giá lợn tăng nhanh tác động tới túi tiền người tiêu dùng.
"So sánh thì luôn khập khiễng nhưng bài học về bình ổn giá thịt lợn ở Trung Quốc cho ta thấy họ chủ động hơn và tổ chức thực hiện mạnh mẽ hơn", ông Phú nhận xét.
Theo đó ông Phú cho biết, nước này đã dự trữ hàng trăm nghìn tấn thịt lợn lạnh. "Bình ổn là chủ động dự trữ, nắm lực lượng hàng hoá từ khi chưa có dịch xảy ra chứ không phải chỉ công văn giấy tờ", ông Phú nói.
Trước đó, theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, nguồn cung nội tại của Hà Nội đối với mặt hàng thịt lợn, thịt gà đáp ứng đủ nhu cầu thị trường Hà Nội trong điều kiện bình thường.
Tuy nhiên, khi có dịch bệnh, nhu cầu đa dạng và tăng trong dịp Tết nên nguồn cung có sự thiếu hụt. Đối với mặt hàng thịt lợn, nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng (tăng khoảng 18-20% so với các tháng thường).
Về nguồn cung, sản lượng lợn hơi xuất chuồng tháng 10/2019 là 18.800 tấn hơi (tăng tháng 9). Như vậy, so với nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết, sản lượng thịt lợn còn thiếu khoảng 3.500 tấn hơi.
Giải pháp được đưa ra là bù đắp bằng nguồn thịt khác và thịt lợn từ các vùng lân cận. Cụ thể, lượng thịt thiếu hụt sẽ được đảm bảo từ việc tăng sản lượng xuất chuồng trong thời gian tới, từ các sản phẩm thay thế khác tương đối dồi dào (bò, gia cẩm, thuỷ sản) và từ các tỉnh thành lân cận Hà Nội.
Đồng thời, UBND TP cũng đã có chỉ đạo về triển khai các giải pháp bảo đảm nguồn cung như yêu cầu các hộ dân, trang trại chăn nuôi không găm hàng, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như đầu cơ, găm hàng, ép giá, tung tin thất thiệt... gây mất ổn định thị trường.
Theo Phương Thảo/dantri.com.vn