Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt qua biên giới hai nước, tác động đến nền kinh tế toàn cầu, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Ngày 6/7/2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức “khai hỏa” chiến tranh thương mại với Trung Quốc bằng việc áp thuế quan 25% đối với các mặt hàng nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Trung Quốc, chủ yếu là máy móc thiết bị điện tử và công nghệ cao.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một trong những vấn đề đáng chú ý nhất trong năm 2019. Ảnh: Market Watch
Phía Trung Quốc đã lập tức đáp trả bằng cách áp thuế tương ứng 34 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu là các mặt hàng nông sản. Tiếp theo đó là một loạt các đợt áp thuế và trả đũa đến từ cả hai bên. Từ thời điểm đó đến nay, cuộc đối đầu “không khoan nhượng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới hai nước, tác động đến nền kinh tế toàn cầu, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Cuộc chiến cả 2 bên đều thua
Các nhà kinh tế cho biết, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là tình huống “thua đều” cho cả hai quốc gia và nó sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nếu các bên không đạt được thỏa thuận. Chiến tranh thương mại kéo dài suốt 18 tháng qua, nhưng đến nay chưa có bất cứ bên nào giành được lợi thế thực sự trước đối phương và không nước nào thu được thành quả đủ lớn để bù đắp cho tổn thất của nền kinh tế.
Về mặt chính trị, Tổng thống Trump có thể “vỗ ngực” tự hào rằng Trung Quốc đã mất nhiều hơn so với Mỹ. So sánh dữ liệu thương mại của 9 tháng đầu năm 2019 với thời điểm cùng kỳ năm 2018, giá trị hàng hóa Mỹ nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 53 tỷ USD, ngược lại xuất khẩu chỉ giảm 14,5 tỷ USD. Tuy nhiên lượng xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc ít hơn nhiều so với nhập khẩu, vì vậy việc sụt giảm trong xuất khẩu là không đáng kể. Trong khi đó, xuất khẩu hàng nông sản của Mỹ giảm 2 tỷ USD. Xuất khẩu thiết bị vận tải giảm 5,8 tỷ USD.
Một phân tích khác của Liên Hợp Quốc cho thấy, người tiêu dùng và các công ty nhập khẩu tại Mỹ đang phải chịu gánh nặng lớn từ mức thuế mà Washington áp với Bắc Kinh bởi giá cả các mặt hàng nhập khẩu đã bị đẩy lên cao hơn. “Người tiêu dùng Mỹ đang phải trả cho thuế quan với mức giá cao hơn. Các nhà nhập khẩu sản phẩm trung gian, chẳng hạn như những công ty nhập khẩu linh kiện và phụ tùng từ Trung Quốc cũng chịu chung số phận”, Alessandro Nicita, nhà kinh tế học tại Diễn đàn Liên Hợp Quốc về Phát triển và Thương mại (UNCTAD) đánh giá. Tuy nhiên, nông dân Mỹ mới là nạn nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Khi cuộc chiến thương mại leo thang, nhiều công ty Trung Quốc đã ngừng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Điều này khiến nông dân Mỹ mất đi thị trường lớn, bị cắt giảm phần lớn doanh thu và phải xin trợ cấp từ chính phủ.
Về phần mình, Trung Quốc cũng chịu thiệt hại đáng kể bởi trước khi chiến tranh thương mại nổ ra, Bắc Kinh đã phải vật lộn với những thách thức về kinh tế. Theo đánh giá, tăng trưởng GDP quý II năm nay của Trung Quốc là 6,2%, mức thấp nhất kể từ khi chính phủ nước này công bố số liệu hàng quý vào năm 1992. Còn theo tính toán của UNCTAD, Trung Quốc đã chịu thiệt hại 35 tỷ USD vì thương chiến trong nửa đầu năm 2019. Ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là thiết bị liên lạc và máy móc văn phòng, với giá trị xuất khẩu sang Mỹ giảm 15 tỷ USD. Chưa dừng lại ở đó, nhiều công ty nước ngoài đang có ý định chuyển nhà máy sản xuất tại Trung Quốc sang một quốc gia thứ 3 để mở rộng nguồn cung ứng, tận dụng giá nhân công rẻ và tránh thuế quan.
Nhiều “ông lớn” công nghệ bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu
Tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Ảnh: Internet.
Các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ như Apple, Huawei không tránh khỏi bị liên lụy. Từ lâu, chính phủ Mỹ đã có “thành kiến” đối với Huawei, cáo buộc công ty này sản xuất các thiết bị điện tử và viễn thông phục vụ cho mục đích gián điệp. Khi chiến tranh thương mại tăng nhiệt, Mỹ đã liệt Huawei vào danh sách đen với lý do đe dọa an ninh quốc gia và vận động các đồng minh, chủ yếu là những nước phương Tây không sử dụng sản phẩm của công ty này. Do lệnh cấm của Mỹ, nhiều tập đoàn lớn như Google, Intel hay Qualcomm đã hạn chế các giao dịch kinh doanh với Huawei.
Mặc dù là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp linh kiện của Mỹ, bởi vậy quyết định nói trên khiến công ty này tổn thất nghiệm trọng.
Không chỉ riêng Huawei mà Apple – tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ cũng bị “thiệt đơn thiệt kép”. Doanh số của Apple trên thị trường Trung Quốc đã bị sụt giảm mạnh. Hơn nữa, các sản phẩm của tập đoàn này còn phải chịu thuế nhập khẩu của Mỹ bởi dù được thiết kế tại Mỹ nhưng phần lớn quá trình lắp ráp, sản xuất và hoàn thiện sản phẩm đều được thực hiện tại Trung Quốc.
Những hệ lụy khó lường
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong suốt 18 tháng qua và gây bất an cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo các nhà phân tích, Mỹ và Trung Quốc là các bên chịu hệ lụy trực tiếp, nhưng ảnh hưởng của cuộc chiến còn vươn xa hơn với tác động dây chuyền lan tỏa.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng, chính sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là yếu tố góp phần vào "suy yếu đáng kể của phát triển toàn cầu". Bên cạnh đó, cuộc chiến này còn làm giảm niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ, gây gián đoạn hoạt động giao thương của các tập đoàn công nghiệp lớn ở châu Á và ảnh hưởng đến những nhà máy có định hướng xuất khẩu tại Châu Âu. Thuế quan đang gây áp lực gia tăng chi phí đối với các công ty đa quốc gia, buộc những công ty này phải tìm cách bù đắp khoản thua lỗ. Hơn nữa, sự không chắc chắn về triển vọng đàm phán Mỹ - Trung cũng gây khó khăn cho các nhà quản lý khi lên kế hoạch kinh doanh.
Qua khảo sát các nhà quản lý mảng kinh doanh tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia cho thấy, đã có sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất tại những quốc gia này vào tháng 8 vừa qua. Tại châu Âu, sự sụt giảm sản xuất được thể hiện rõ nét tại Đức – một trong những nhà cung cấp máy móc và thiệt bị hàng đầu thế giới. Tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Morgan Stanley cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu có thể bị suy thoái nghiêm trọng nếu Trung Quốc và Mỹ tiếp tục trả đũa lẫn nhau.
Nguy hiểm hơn, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn dễ làm bùng nổ chiến tranh tiền tệ. Để đối phó với các đòn thuế quan của Mỹ, Trung Quốc đã áp dụng chính sách hạ giá đồng nhân dân tệ. Vào tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh cho phép đồng nhân dân tệ giảm sâu với tỷ giá tham chiếu là 7 CNY/1 USD. Động thái của Trung Quốc làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tranh tiền tệ, nơi các nước lớn đua nhau phá giá đồng tiền của mình.
Thỏa thuận đột phá, gỡ nút thắt cho chiến tranh thương mại
Xét trên quan điểm chính trị, chưa thể phân định rõ thắng thua trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, xét về kinh tế, cả Bắc Kinh và Washington đều thiệt hại nghiêm trọng và đây có lẽ là lý do khiến 2 bên tích cực nối lại đàm phán nửa cuối năm 2019.
Ngày 13/12, Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt được sự đồng thuận về thỏa thuận giai đoạn 1 để bắt đầu giảm leo thang cuộc chiến thương mại. Trong khuôn khổ thỏa thuận, Tổng thống Trump đã dừng kế hoạch tăng thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đáng ra sẽ được thực hiện từ ngày 15/12 và giảm mức thuế từ 15% xuống còn 7,5% đối với 120 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cam kết mua 50 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ.
Giới phân tích cho rằng thỏa thuận này tạm thời xóa bỏ lo ngại leo thang căng thẳng hơn nữa trong cuộc chiến thương mại nhưng không giải quyết được căn nguyên chính của xung đột giữa hai nước. Cam kết mua thêm hàng nông sản của Trung Quốc là tin tức đáng hoan nghênh nhưng hiện tại, Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện cam kết của nước này, chẳng hạn các chi tiết về thời gian, giá cả, hàng hóa…
Bên cạnh đó, thỏa thuận hiện tại chỉ giúp giải quyết một số khiếu nại của Mỹ đối với Trung Quốc, trong khi những yêu cầu còn lại được dự đoán sẽ khó khăn hơn nhiều. Nói rộng ra,Washington muốn Bắc Kinh thực hiện các bước để loại bỏ thặng dư thương mại song phương đang ở mức cao, loại bỏ quy định chuyển giao công nghệ bắt buộc và chấm dứt những hành vi thương mại khác mà Mỹ cho là thiếu công bằng. Những yêu cầu này không thể được thực hiện chỉ trong một sớm một chiều.
Hơn nữa, cả Mỹ và Trung Quốc mới chỉ đạt được thỏa thuận “về mặt nguyên tắc”, nghĩa là chưa có giấy tờ cụ thể được ký kết và cả 2 bên có thể rút lại bất cứ lúc nào. Một số ý kiến cho rằng nếu các bên không nỗ lực hơn nữa trong thu hẹp bất đồng thỏa thuận “giai đoạn 1” nhiều khả năng “chết yểu” như thỏa thuận đình chiến thương mại mà Mỹ và Trung Quốc đạt được vào tháng 10/2019.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, chiến tranh thương mại Mỹ- chưa thể kết thúc sớm, mà có khả năng kéo dài đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế, ông Kristalina Georgieva cảnh báo, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể khiến các nền kinh tế thế giới thiệt hại 700 tỷ USD vào năm 2020./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN