Trong mùa tuyển sinh năm nay, các trường đã giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia, hướng đến tự chủ tuyển sinh để lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường Đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh Đại học hệ chính quy năm 2020. Đáng chú ý, trong mùa tuyển sinh năm nay, các trường đã giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi Trung học Phổ thông quốc gia, hướng đến tự chủ tuyển sinh để lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Đặc biệt, các trường mở thêm nhiều mã ngành, chương trình mới để bắt kịp với xu thế phát triển. Điều này xuất phát từ cơ chế mở rộng quyền tự chủ của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, với quy định các trường được tự chủ trong việc mở ngành.
Nhiều ngành học mới tuyển sinh năm 2020
Năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh 10.000 chỉ tiêu vào hệ đại học chính quy, mở thêm 17 ngành học mới, trong đó có một số ngành đào tạo thí điểm như Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật Điện tử và Tin học; Quản lý phát triển đô thị và bất động sản; Công nghệ tích hợp giám sát tài nguyên và môi trường; Sư phạm Lịch sử và Địa lý; Giáo dục Tiểu học; Giáo dục mầm non; Điều dưỡng; Hàn Quốc học, Văn hóa học, Nhật Bản học…
Một số chương trình đào tạo song bằng như: Marketing; Quản lý… Những ngành học mới đa phần liên quan đến các lĩnh vực công nghệ hoặc những ngành có nhu cầu lao động tăng cao trong những năm tới.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2020, với 5.800 chỉ tiêu, tăng 150 chỉ tiêu (2,7%) so với năm 2019. Trường mở thêm một số chương trình và ngành mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, trong đó có 3 chương trình mới đào tạo bằng tiếng Anh và 3 ngành mới được phát triển lên từ các chuyên ngành trước đây.
Cụ thể, 3 chương trình mới đào tạo bằng tiếng Anh gồm Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Kinh tế học tài chính, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng. 3 ngành mới gồm: Tài chính doanh nghiệp, Tài chính công và Ngân hàng; Kiểm toán (là 1 trong các chuyên ngành trong ngành Kế toán được nâng lên thành ngành độc lập).
Trường Đại học Ngoại thương năm 2020 tuyển sinh thêm 4 chương trình chất lượng cao mới gồm các chuyên ngành: Tiếng Nhật Thương mại; Tiếng Trung Thương mại; Tiếng Pháp Thương mại và Quản trị khách sạn.
Năm 2020, Trường Đại học Giao thông Vận tải dự kiến tuyển sinh 3 ngành mới: Quản trị du lịch, Logistics và Kiến trúc. Theo giải thích từ nhà trường, đây đều là thế mạnh của trường, những ngành như quản trị du lịch, Logistis sẽ cần nhiều nhân lực nên trường tập trung vào đào tạo những ngành này.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tuyển sinh mới 5 ngành gồm Marketing-Truyền thông; Quản trị khách sạn; Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc mở thêm những ngành học mới xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu cũng như những thay đổi trong cơ chế, chính sách và sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, việc một vài ngành “hot” được mở ồ ạt cũng dẫn đến những lo ngại về sự bão hòa của thị trường nhân lực trong tương lai.
Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng mỗi trường cần phải có tầm nhìn, chiến lược riêng và phải xây dựng một phân khúc về đào tạo mới có thể cạnh tranh lành mạnh và phát triển.
Ngoài ra, hiện nay, tiêu chí sinh viên có việc làm được thí sinh và xã hội quan tâm. Nếu mở ngành mới nhưng đào tạo không gắn với thị trường, sinh viên không có việc làm cũng đồng nghĩa với việc các trường sẽ tự hạ thấp uy tín của mình.
Đa dạng phương thức tuyển sinh
Thí sinh chuẩn bị thi đánh giá năng lực tại điểm thi Đại học Bách khoa, Đại học học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 10). (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Bên cạnh việc mở thêm mã ngành mới, nhìn vào phương án tuyển sinh được các cơ sở giáo dục Đại học dự kiến áp dụng trong năm 2020 cho thấy, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả của Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, nhiều trường đã nghiêng về việc sử dụng các kỳ thi cũng như phương thức riêng.
Có nghĩa là kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia không còn là con đường duy nhất, cánh cửa vào đại học sẽ mở rộng hơn đối với các thí sinh.
Tiến sỹ Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường Đại học-Cao đẳng Việt Nam nhận định việc các trường Đại học đa dạng phương thức tuyển sinh nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia là xu hướng phù hợp và cần thiết.
Bởi Luật giáo dục Đại học sửa đổi năm 2018 đã quy định rõ, các trường hoàn toàn được tự chủ lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo của mình.
Theo phương án tuyển sinh của các cơ sở Đại học top đầu, đa phần các trường đều sử dụng từ 2-3 phương thức tuyển sinh. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển.
Năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển sinh theo 2 phương thức. Phương thức 1 là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Quy định đặc thù của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phương thức 2 là xét tuyển thí sinh có kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 và các phương thức khác sử dụng các chứng chỉ quốc tế như SAT, A-LEVEL, IELTS.
Trong đó, thời gian xét tuyển đợt 1 từ ngày 12/7-31/7 đối với thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020.
Đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp kết quả thi 2 môn thi Trung học phổ thông quốc gia và chứng chỉ IELTS, xét tuyển từ ngày 10/7 đến trước ngày 31/7.
Trong đó, kết quả IELTS phải đạt từ 5.5 trở lên hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương, có tổng điểm hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12, bắt buộc phải có môn Toán hoặc Văn.
Đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển SAT, A-Level, xét tuyển từ ngày 10/7 - 20/8. Với SAT, thí sinh phải đạt điểm theo quy định về ngưỡng đảm chất lượng đầu vào là 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400, chứng chỉ còn hạn sử dụng trong hai năm kể từ ngày sự thi.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với thí sinh sử dụng chứng chỉ A-Level tổ hợp kết quả 3 môn thi theo các khối thi quy định của ngành đào tạo tương ứng, đảm bảo mức điểm mỗi môn thi đạt từ 60/100 điểm trở lên (tương ứng điểm C, PUM range ≥ 60).
Chứng chỉ còn hạn sử dụng trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày dự thi mới đủ điều kiện đăng ký để xét tuyển.
Năm 2020, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng mở rộng đối tượng tuyển thẳng (xét tuyển kết hợp) là các học sinh có chứng chỉ quốc tế SAT và ACT.
Cụ thể: Thí sinh có Chứng chỉ quốc tế SAT từ 1200 điểm trở lên và ACT từ 26 điểm trở lên và có tổng điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020 của tổ hợp bất kỳ trong các tổ hợp xét tuyển của Trường đạt từ 18 điểm trở lên (bao gồm cả điểm ưu tiên).
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sử dụng 3 phương thức tuyển sinh gồm: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tuyển thẳng (xét tuyển kết hợp) theo Đề án tuyển sinh của Trường, gồm 03 đối tượng; Xét tuyển theo kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2020, trong đó điểm trúng tuyển theo ngành/chương trình, không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển.
Trường Đại học Ngoại thương cho biết sẽ áp dụng đồng thời ba phương thức tuyển sinh. Thứ nhất là xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập 3 năm của học sinh hệ chuyên thuộc các trường Trung học phổ thông chuyên trong hệ thống giáo dục trung học phổ thông toàn quốc tốt nghiệp năm 2020.
Thứ hai là xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2020. Thứ ba là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, theo các tổ hợp môn xét tuyển trường quy định.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 3 phương thức xét tuyển: Thứ nhất, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ (đối với thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, đoạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Trung học Phổ thông quốc gia hoặc cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế).
Thứ hai, xét tuyển dựa trên kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2020 (có ưu tiên xét tuyển và cộng điểm ưu tiên cho các thí sinh không sử dụng quyền được tuyển thẳng và các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế).
Thứ ba, đối với các chương trình đào tạo quốc tế, ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển thẳng đối với thí sinh có chứng chỉ A-Level, SAT, ACT với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của trường.
Việc đa dạng hình thức xét tuyển được đánh giá tạo thuận lợi cho thí sinh cũng như giúp các trường lựa chọn được sinh viên phù hợp với các ngành đào tạo.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khuyến cáo, các trường không nên sử dụng quá nhiều phương thức, bởi sẽ gây “rối nhiễu” khi học sinh phải cân nhắc giữa quá nhiều lựa chọn.
Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2020-mo-nhieu-nganh-moi-phu-hop-xu-the-phat-trien/617118.vnp