Cập nhật: 09/01/2020 11:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tại chỗ đã nỗ lực giải quyết vấn đề này, song tình trạng ùn ứ nông sản cục bộ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc vào dịp cao điểm vẫn xuất hiện

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo chu kỳ hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán hàng năm thường rất sôi động; trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm và trái cây.

Mặc dù các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tại chỗ đã nỗ lực giải quyết vấn đề này, song tình trạng ùn ứ nông sản cục bộ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc vào dịp cao điểm vẫn xuất hiện.

Vấn đề này sẽ không thể giải quyết căn cơ nếu không có những biện pháp mang tính đồng bộ và lâu dài, từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến, đóng gói đến khâu tổ chức giao nhận, xuất khẩu cũng như từ các cơ quan quản lý Nhà nước đến các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, hiện nay bắt đầu vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lưu lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai nước đã sôi động hơn.

Để phát huy tối đa cơ hội thị trường, tránh ảnh hưởng đến việc thông quan và gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu, đặc biệt là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng…

Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói đáp ứng đúng yêu cầu của nước nhập khẩu và kịp thời điều tiết tiến độ vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới khi phát sinh hiện tượng bất thường, ùn ứ nhằm đảm bảo an toàn chất lượng hàng hóa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tổ chức phân loại, lựa chọn chủng loại nông sản, trái cây và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về quy cách, chất lượng, nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan để đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong quá trình thực hiện giao nhận, xuất khẩu hàng hóa, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Công Thương (thông qua Cục Xuất nhập khẩu theo địa chỉ email: linhntm@moit.gov.vn, 0912 178 739; huyenngt@moit.gov.vn, 0964 588 813) để kịp thời trao đổi thông tin và phối hợp điều tiết hoạt động xuất khẩu hàng hóa khi cần thiết.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, Cục đã trao đổi, làm việc với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc và đề nghị theo dõi sát tình hình và cập nhật, đưa thông tin công khai, thường xuyên về diễn biến thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và nông sản, thực phẩm, trái cây nói riêng qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, địa phương cần chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh để triển khai kịp thời, hiệu quả việc điều phối hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các tỉnh, thành phố có vùng nuôi trồng trọng điểm, Hiệp hội ngành hàng nông, thủy sản thường xuyên rà soát việc sản xuất, điều chỉnh canh tác thời vụ cho phù hợp để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, điều tiết nguồn cung sản phẩm nông sản hợp lý.

Ngoài ra, chủ động theo dõi tình hình giao dịch mua bán trong nước, ngoài nước của các doanh nghiệp trên địa bàn đối với nông, thủy sản, trái cây trong mùa vụ năm 2020. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát tình hình để kịp thời điều tiết lượng hàng hóa nông sản, trái cây lưu thông qua các tỉnh biên giới phù hợp với điều kiện, năng lực thông quan thực tế tại các cửa khẩu.

Ông Trần Quốc Toản chia sẻ thêm các nội dung này đã và đang được Cục Xuất nhập khẩu trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải tổ chức phân luồng ở khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng logistics như: kho lạnh ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), khu trung chuyển ở Lạng Sơn, trung tâm logistics ở Bắc Giang.

Ngoài ra, Bộ cũng tiến hành vận động các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phía Trung Quốc (đặc biệt các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam) mở thêm các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu nông sản, trái cây tại khu vực biên giới.

Để duy trì thị phần và mở rộng thị trường Trung Quốc, theo ông Trần Quốc Toản, về lâu dài các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc và các khuyến cáo của cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thay đổi cơ bản tư duy tiếp cận thị trường, phương thức giao dịch, tổ chức sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc.

Ông Trần Quốc Toản cũng lưu ý doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh lâu dài, bài bản với doanh nghiệp Trung Quốc.

Đặc biệt, chú trọng xây dựng mạng lưới phân phối phù hợp với thị trường, tăng cường phát triển thương hiệu, mẫu mã, bao bì, nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết về ngôn ngữ nhằm đáp ứng đúng yêu cầu, thị hiếu của thị trường./. 

Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/theo-sat-dien-bien-thong-quan-khi-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc/617441.vnp

Tệp đính kèm