Cập nhật: 09/01/2020 15:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều ngân hàng đã thông báo lợi nhuận cả năm 2019, có một số đơn vị đạt mức lãi kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.

Ngày 8/1, ngân hàng SEABank đã công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 1.390,69 tỷ đồng, tăng tới 768,26 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay của ngân hàng này.

Năm 2019, ngân hàng OCB cũng đạt lợi nhuận trước thuế hơn 3.200 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2018. Đây cũng là mức tăng kỷ lục của ngân hàng này kể từ khi thành lập.

Nhiều ngân hàng đạt mức lãi kỷ lục trong năm 2019. (Ảnh minh họa: KT)

Tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế năm qua cũng đạt khoảng 3.180 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch.

Với TPBank, lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt trên 3.868 tỷ đồng, tăng 1.610 tỷ đồng tương đương 71,3% so với năm trước và vượt hơn 21% so với kế hoạch đề ra. Đây là mức lợi nhuận “khủng” nhất từ trước tới nay của ngân hàng này.

Một “ông lớn” khác là BIDV, năm 2019, BIDV báo lãi kỷ lục khi lợi nhuận đạt gần 10.800 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của nhà băng này từ trước tới nay.

Tại Vietcombank, kết quả lợi nhuận dự kiến vượt xa kế hoạch và sẽ đạt con số 20.000 tỷ đồng, tương đương cả tỷ USD.

Đánh giá về sự tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2019, TS. Bùi Quang Tín cho hay, con số “khủng” mà các ngân hàng vừa công bố là những tín hiệu tốt, là tiền đề giúp ngành ngân hàng phát triển mạnh trong năm 2020.

Có 3 lý do khiến các ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong năm 2019. Thứ nhất, 2019 là năm đầu tiên sau nhiều năm, kể từ khi bán nợ xấu cho VAMC, hệ thống ngân hàng đã thu lại khoản nợ xấu để tự xử lý theo Thông tư 02 và 09. Khoản nợ xấu này sẽ được đưa vào khoản trích lập dự phòng, khoản trích lập dự phòng lại được đưa vào lợi nhuận ngân hàng.

Lý do thứ 2 mà chuyên gia tài chính - ngân hàng Bùi Quang Tín đề cập là hạn mức tín dụng năm 2019 khoảng 13,7%, tuy hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng bị giảm xuống so với các năm trước nhưng chất lượng tín dụng lại tăng lên. Các ngân hàng đã biết cách “gói ghém” trong hạn mức tín dụng của mình để các khoản cho vay đạt chất lượng cao, có khả năng thu hồi tốt. Với việc chọn lựa khoản vay như thế, nợ xấu đã giảm đi đáng kể. Tỷ lệ nợ xấu trong năm 2019 dưới 2%, thấp hơn con số đưa ra 3 năm trước đó, khoảng 3%.

“Thứ 3, các ngân hàng hiện nay chuyển dần từ hoạt động cấp tín dụng sang hoạt động kinh doanh các dịch vụ, đặc biệt là sản phẩm kết hợp giữa ngân hàng với các công ty bảo hiểm, giúp cho lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm qua đã tăng lên đáng kể. Có thể nói, lợi nhuận tạo ra trong năm 2019 là lợi nhuận thực chứ không phải lợi nhuận ảo hay lợi nhuận bị trừ hao do phần trích lập dự phòng”, TS. Bùi Quang Tín khẳng định./. 

Theo Chung Thủy/VOV.VN

Tệp đính kèm