GS Hồ Ngọc Đại kiên quyết sẽ không sửa sách Công nghệ giáo dục, trong khi đó, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định không có cách thẩm định khác cho bộ sách này.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã tổ chức đối thoại với GS.TSKH Hồ Ngọc Đại và PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào – các đại diện của Chương trình Công nghệ giáo dục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã ra trước đó.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại (bên trái) và PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào (bên phải) tại cuộc đối thoại.
Nói về cách thẩm định sách giáo khoa mới, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học khẳng định, mọi khâu từ tiếp nhận hồ sơ đăng ký thẩm định SGK, thành lập hội đồng thẩm định quốc gia đến quá trình thẩm định đều đã được diễn ra theo đúng quy định.
Thành viên hội đồng thẩm định có 15 ngày nghiên cứu sách giáo khoa độc lập, sau đó có các buổi làm việc chung và nghe đối thoại của tác giả sách giáo khoa đăng kí thẩm định. Các thành viên làm việc độc lập và tiến hành bỏ phiếu. Hội đồng cũng gặp gỡ, thông báo cho tác giả SGK có ý kiến đánh giá của hội đồng.
Ông Tài khẳng định, đã có 2 lần tác giả được gặp nghe ý kiến, đối thoại với hội đồng thẩm định.
Sau quá trình thẩm định, có 38 trong tổng số 49 bản thảo SGK được hội đồng đánh giá đạt. Các SGK đạt tiếp tục được rà soát, tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt.
Đề nghị Bộ đi đến các địa phương để xem việc dạy Công nghệ giáo dục
PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cho rằng hiện nay phản hồi của các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các địa phương về sách Công nghệ giáo dục vẫn rất tốt.
“Trẻ em học Tiếng Việt công nghệ giáo dục nhanh, học chắc, không tái mù, thậm chí nhiều nơi như ở Thái Bình, học sinh còn hết nói ngọng”, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào nói.
Ông Hào cũng cho hay, trước kia, thời còn làm Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, đã linh hoạt triển khai 4 chương trình theo 1 mục tiêu thống nhất phù hợp với điều kiện dạy học khác nhau. Nhờ vậy mà Việt Nam mới hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ.
PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào bày tỏ sự bức xúc khi bộ sách Công nghệ giáo dục bị loại. Theo ông Hào, Bộ GD-ĐT chưa có sự linh hoạt, mềm dẻo trong quá trình thẩm định SGK. Ông Hào đề nghị Bộ GD-ĐT cần xuống các địa phương để thấy thực tế việc dạy Tiếng Việt công nghệ giáo dục đang diễn ra thế nào, đồng thời cho dạy thử các bộ sách mới tại các trường để biết hiệu quả thực tế đến đâu.
“Bộ trưởng vẫn dựa vào các hội đồng thẩm định và có thể giao cho hội đồng làm việc theo tinh thần đổi mới, cởi mở hơn. Vẫn theo đánh giá của Thông tư 33, nhưng các chỉ báo được vận dụng linh hoạt hơn để giữ bản sắc riêng cho mỗi bộ sách.
Điều căn bản là thực hiện được mục tiêu và chuẩn đầu ra của từng lớp, cấp học. Cần chú trọng đánh giá qua thự tiễn, đây mới là thước đo đáng tin cậy, không thể thiếu trong đánh giá sách, đánh giá hoạt động dạy học ở tiểu học", ông Nguyễn Kế Hào gợi mở hướng giải quyết cho Bộ GD-ĐT.
Tại cuộc đối thoại, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào cũng viện dẫn ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm khi cho rằng: "Sách của GS Đại cần một cách thẩm định khác". PGS Hào cho rằng Bộ GD-ĐT nên coi việc thẩm định sách giáo khoa chỉ là một bước, tiếp theo cần đưa các sách giáo khoa đã qua thẩm định dạy thử nghiệm một một thời gian.
“Hội đồng làm việc nghiêm túc, cũng không đến nỗi cũ kỹ”
“Không phải mọi kết luận của hội đồng đều được tất cả các chủ biên tán thành, nhưng đó là ý kiến xác đáng. Chúng tôi biết viết sách lớp 1 là khó nhất, nên hội đồng làm việc cũng rất linh hoạt, rộng rãi. Tôi khẳng định hội đồng làm việc nghiêm túc, không đến nỗi cũ kỹ về tư suy quá đâu. Có người đã gọi điện hỏi tôi rằng trong quá trình thẩm định, thầy có chịu sức ép nào không. Không có sức ép nào với tôi cả. Ở tuổi này rồi, trải nghiệm chán rồi, chúng tôi đủ bản lĩnh để không chịu bất cứ sức ép nào. Bao giờ một chương trình mới cũng sẽ có SGK mới tương ứng. Hiện nay có những cuốn SGK hiện hành đang rất hay, nhưng khi vào chương trình mới vẫn sẽ bị mất hiệu lực”, PGS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán khẳng định tại cuộc đối thoại.
PGS Trần Kiều cho rằng, nếu thẩm định đặc biệt bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại thì rất dễ khiến các tác giả SGK khác phản ứng, tạo sự không công bằng.
PGS.TS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tác giả môn Toán của một nhóm viết SGK khác cho biết đã nghiên cứu rất kĩ sách Toán của Công nghệ giáo dục các thời kì và SGK đã đưa thẩm định mới đây. Ông Vinh cho rằng, thoạt nhìn sách của GS Đại thì thấy khó nhưng khi xem thiết kế sách cho giáo viên và nhìn vào thực tiễn tập huấn giáo viên của GS Đại thì lại thấy tốt.
“Trong chương trình, quan trọng vẫn là người thầy dạy như thế nào. Ở đây, điểm mạnh của sách GS Đại là tập huấn giáo viên rất kĩ, là cách thiết kế tổ chức dạy học làm cho học sinh được học tích cực. Là một người làm Toán, tôi thích cách tiếp cận của GS Đại ở sách Toán. Nhưng nếu GS có điều chỉnh để trẻ tiếp cận trực quan hơn thì sẽ nhiều học sinh tiếp cận hơn. Bộ sách đã qua phép thử 40 năm thì khó có thể nói nó không tốt”, PGS.TS Lê Anh Vinh nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Anh Vinh cũng cho rằng chương trình cũ và chương trình mới không nên quá rời xa nhau. Mỗi chương trình đều có chuẩn đầu ra, dạy học như thế nào để đảm bảo chuẩn đầu ra là được, không nên quy định cứng nhắc.
Bộ GD-ĐT khó có cách thẩm định khác
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ đã làm theo Nghị quyết của Quốc hội, trong quy định thẩm định SGK, hồ sơ SGK gửi lên thẩm định đã phải có thực nghiệm.
Việc thẩm định nhằm mục đích công bố cho xã hội những cuốn sách phù hợp để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế nếu cho rằng thẩm định chỉ là bước 1 và tiếp tục thực nghiệm thì chưa thật đúng.
Thứ trưởng Độ cũng cho rằng, khó có cách thẩm định khác với sách Công nghệ giáo dục như ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm, bởi cần sự công bằng giữa các bộ sách. “Nếu được thì thầy nghiên cứu phương án điều chỉnh SGK để đảm bảo yêu cầu”, Thứ trưởng Độ đề nghị.
Trong khi đó, PGS.TSKH Nguyễn Kế Hào khẳng định sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên về vấn đề này. Ông khẳng định lại rằng Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại không phải chương trình cải cách giáo dục năm 1981, cũng không phải chương trình giáo dục hiện hành mà là nghiên cứu trong một quá trình với việc thực nghiệm nghiêm túc, rộng rãi.
GS Hồ Ngọc Đại cũng cho rằng, ông đến cuộc đối thoại này chỉ muốn được xác nhận bộ SGK này được sử dụng cho năm học mới. GS Hồ Ngọc Đại cho biết đã nghiên cứu, thực nghiệm 40 năm và dạy Công nghệ giáo dục tại Nga. Trong 40 năm đó, ông không hề xa rời việc dạy học trong nhà trường. Và khẳng định tiểu học là bậc học vô cùng quan trọng. Từ những gì nghiên cứu, thực nghiệm, ông khẳng định chịu trách nhiệm với những gì ông viết ra và không thể sửa chữa.
“Chúng tôi không chống lại chương trình mới, mà chúng tôi dùng chương trình mới với quan điểm mới, phương pháp mới. Cái mới này tôi nhìn thấy trước thì nói trước, chứ không hề cũ so với yêu cầu được viết mới bây giờ. Có thể đổi mới nhưng không thể hy sinh hệ tư tưởng mới. Cách Bộ GD-ĐT đang đổi mới như hiện nay chỉ là cách viết khéo lại cái cũ. Chúng tôi mới là mới”, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại nói.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN