Đại dịch virus corona đang lan rộng, Bộ GD&ĐT lưu ý các công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài cần thường xuyên giữ liên lạc với gia đình, người thân, cơ quan công tác tại Việt Nam (nếu có).
Khi gặp khó khăn, cần sự hỗ trợ giúp đỡ có thể liên hệ với Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại hoặc gọi ngay cho đường dây nóng bảo hộ công dân ở nước ngoài (+84) 981.84.84.84 để được trợ giúp, tư vấn.
Về phía Bộ GDĐT Việt Nam, lưu học sinh có thể liên hệ với Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT, địa chỉ tại 35 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điện thoại: (+84) 243.869.5144 hoặc (+84) 365.12.74.07, email: htqt@moet.gov.vn để được trợ giúp.
Người dân tại Bangkok, Thái Lan đồng loạt đeo khẩu trang để bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm virus corona. Thủ tướng Thái Lan cho biết nước này vẫn đang chờ sự đồng ý của chính quyền Trung Quốc trước khi sơ tán công dân. Tuy nhiên, các máy bay và y bác sĩ Thái Lan đã sẵn sàng cho kế hoạch này. (Ảnh: Reuters)
Có 141 lưu học sinh Việt Nam đang ở Trung Quốc
Trước đó, ngày 27/1, Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GDĐT) đã có công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị hỗ trợ đảm bảo an toàn và phòng tránh dịch bệnh cho lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc.
Được biết, lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc đa phần đã về nước nghỉ tết nguyên đán, tuy nhiên vẫn còn 141 lưu học sinh đang ở tại 20 địa phương của Trung Quốc.
Nhằm hỗ trợ các lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc được đảm bảo an toàn, kịp thời thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, Cục Hợp tác Quốc tế trân trọng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục thông tin về tình hình lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc cho Bộ GDĐT (qua Cục Hợp tác quốc tế) và có biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo an toàn cho lưu học sinh Việt Nam đang ở tại Trung Quốc;
Bộ GDĐT Việt Nam sẽ trao đổi với Bộ Giáo dục Trung Quốc để đảm bảo việc học tập cho lưu học sinh nếu lưu học sinh phải tạm dừng học trong thời gian dịch bệnh hoặc có sự di chuyển theo sắp xếp của Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác của Việt Nam.
Một trường học ở Việt Nam đã yêu cầu học sinh đeo khẩu trang trong lớp
Theo dõi quản lý sức khỏe của học sinh, giáo viên
Trong công điện khẩn mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các sở giáo dục và đào tạo, các đại học, học viện, viện, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các đơn vị trực thuộc Bộ về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, Bộ yêu cầu các các đơn vị giáo dục phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đảm bảo sức khỏe và thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo dõi và quản lý tốt sức khỏe học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; khi có hiện tượng bất thường hoặc dịch bệnh xảy ra cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học.
Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học; chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch cho trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học.
Khách du lịch đeo khẩu trang để ngăn virus corona lây lan tại Seoul, Hàn Quốc. Hàn Quốc đã thuê 2 máy bay chở 700 công dân nước này khỏi Vũ Hán, tuy nhiên các chuyến bay cuối cùng bị hoãn không lý do. (Ảnh: Reuters)
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu
Ngày 30/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch viêm phổi do virus corona chủng mới sau khi dịch bệnh này khiến 213 người tử vong, 9.356 người nhiễm bệnh ở Trung Quốc và lan ra 18 quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/1 tại Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, những tuần gần đây đã xảy ra đợt bùng phát dịch chưa từng có từ trước đến nay do virus corona chủng mới.
Ông Tedros cũng nhấn mạnh nhiều lần rằng, việc ban bố tình trạng khẩn cấp này không phải là "lá phiếu bất tín nhiệm" đối với khả năng kiểm soát dịch của Trung Quốc. Thay vào đó, điều khiến WHO quan ngại là tình trạng lây truyền virus sang các quốc gia không đủ nguồn lực để đối phó.
Cùng với việc ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, ông Tedros cũng đưa ra hàng loạt khuyến nghị với các quốc gia nhằm đối phó với dịch bệnh lan truyền do virus corona mới, ví dụ như đẩy nhanh chế vắc xin, đánh giá lại các kế hoạch dự phòng, ngăn chặn tin giả, chia sẻ dữ liệu với WHO. Tuy nhiên, giới chức WHO cũng cảnh báo, việc hạn chế thái quá hoạt động thương mại và du lịch là không cần thiết.
Việc tuyên bố một dịch bệnh nào đó là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" của WHO sẽ đòi hỏi các quốc gia phải đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý ngăn chặn dịch ở quy mô quốc tế. Jeremy Farrar, giám đốc tổ chức Wellcome Trust, cho rằng quyết định của WHO "chắc chắn sẽ thúc đẩy chính phủ các nước hành động tập trung bảo vệ công dân trước nguy cơ lan truyền của dịch viêm phổi do virus corona mới".
Dịch viêm phổi lạ bùng phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối năm ngoái và được cho là do virus corona chủng mới (hay còn gọi là nCov-2019).
Đến nay, dịch bệnh này đã khiến 214 người tử vong, 9.480 người nhiễm bệnh trên toàn cầu, trong đó 9.356 trường hợp ở Trung Quốc.
Hiện nhiều nước đã khuyến cáo không du lịch tới Trung Quốc hoặc ngừng cấp thị thực cho du khách Trung Quốc, một số quốc gia thậm chí đã đóng cửa biên giới với nước này nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Theo Hồng Hạnh/dantri.com.vn