Cập nhật: 28/02/2020 11:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tình trạng bán tháo diễn ra ngay khi thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khởi động phiên sáng nay (28/2). Tâm lý nhà đầu tư hiện đang rất xấu, đặc biệt khi thị trường Mỹ đã rơi vào vùng điều chỉnh.

Giới đầu tư đang tháo chạy khỏi cổ phiếu, vốn được cho là kênh rủi ro (ảnh minh hoạ)

Sau khoảng 30 phút, VN-Index nhận đánh mất 15,01 điểm tương ứng 1,67% còn 883,51 điểm; HNX-Index mất 1,25 điểm tương ứng 1,14% còn 108,01 điểm và UPCoM-Index cũng mất 0,26 điểm tương ứng 0,46% còn 55,26 điểm.

Thanh khoản tại thời điểm này đạt hơn 39 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng hơn 840 tỷ đồng và gần 10 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng gần 102 tỷ đồng. UPCoM có hơn 4 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng trên 34 tỷ đồng.

Sắc đỏ bao trùm với số lượng mã giảm giá áp đảo. Tạm tính đến khoảng 9h40’, toàn thị trường có 343 mã giảm giá, 31 mã giảm sàn so với 127 mã tăng, 29 mã tăng trần.

Hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn trên thị trường giảm giá và theo đó chỉ số VN30-Index cũng thiệt hại đáng kể, mất hơn 14 điểm.

Những “ông lớn” vốn có khả năng chi phối thị trường như VIC, VHM, VCB, BID, VNM sáng nay đều sụt giá. Trong đó, VHM tạm đánh mất 1.800 đồng, VCB mất 1.500 đồng, VNM mất 1.600 đồng, VIC cũng mất 1.500 đồng; BID mất 900 đồng…

Đáng chú ý là dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào YEG và QCG. Hai mã này tiếp đà tăng trần ngày hôm qua và tiếp tục tăng trần trong đầu phiên sáng nay. YEG tăng 3.900 đồng lên 60.200 đồng và QCG tăng 280 đồng lên 4.280 đồng/cổ phiếu.

Cả hai mã cổ phiếu này không hề có dư bán, mọi lệnh bán đều được “quét” sạch, thậm chí dư mua giá trần tại YEG trong chưa tới 40 phút giao dịch đầu tiên đã đạt trên 50 nghìn cổ phiếu và tại QCG cũng có trên 195 nghìn cổ phiếu dư mua giá trần.

Tâm lý nhà đầu tư hiện đang rất xấu do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi diễn biến phức tạp của dịch cúm Covid-19. Làn sóng bán tháo khỏi cổ phiếu trên quy mô toàn cầu khiến các thị trường chứng khoán lớn đều đỏ lửa, và theo đó, cũng tác động đến thị trường Việt Nam.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/2, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones đánh rơi tới 1,190.95 (tương đương 4,4%) xuống 25.766,64 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 4,4% còn 2.978.76 điểm; Nasdaq Composite cũng sụt 4,6% xuống 8.566,48 điểm.

Theo ghi nhận của CNBC, trong khi Dow Jones và S&P 500 đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2018 thì Nasdaq Composite cũng có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2011.

Tình trạng lao dốc này đã khiến Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite bị rơi vào vùng điều chỉnh khi đánh mất hơn 10% từ đỉnh. Dow Jones chỉ mất 10 phiên để rớt từ mức đỉnh lịch sử của chỉ số này xuống vùng điều chỉnh trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite vừa mới ghi nhận các mức cao kỷ lục hồi tuần trước.

Theo Mai Chi/dantri.com.vn

Tệp đính kèm