Cập nhật: 03/04/2020 09:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thống kê, trên thế giới, dịch bệnh COVID-19 ít tấn công trẻ nhỏ, nếu trẻ có mắc bệnh thì triệu chứng cũng nhẹ hoặc không rõ rệt, nhưng không phải trẻ không có khả năng mắc.

Ngay tại nước ta, mới đây có cháu 10 tuổi bị nhiễm COVID-19. Chăm sóc trẻ em đúng cách để chống lại sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp phần nào câu hỏi làm sao để chăm sóc trẻ em đúng cách, giúp trẻ vượt qua mùa dịch an toàn, khỏe mạnh...

Chăm sóc bé khi ở nhà

Rửa tay thường xuyên: Rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng ít nhất 30 giây (với 6 bước rửa tay theo hướng dẫn của Bộ Y tế) hoặc dung dịch rửa tay có cồn. Rửa tay nhiều lần trong ngày, sau khi ho, hắt hơi, tháo khẩu trang, tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng, ho, hắt hơi của người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, tiếp xúc chất thải của động vật, đi vệ sinh, đi từ bên ngoài về nhà... và trước các bữa ăn. Cha mẹ trước khi chế biến thực phẩm hay cho trẻ ăn cũng phải rửa tay sạch sẽ.

Đeo khẩu trang phòng bệnh: Khẩu trang y tế nên sử dụng trong các trường hợp sau: Khi tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19; Khi tiếp xúc với người có triệu chứng viêm đường hô hấp như ho, khó thở...; Khi được chỉ định theo dõi cách ly tại nhà hoặc đi khám, điều trị tại các cơ sở chữa bệnh. Không được tái sử dụng khẩu trang y tế.

Khẩu trang vải: Khi đeo, cần che kín mũi và miệng để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với virus. Khẩu trang phải được giặt ủi hoặc khử trùng qua nước sôi trước khi tái sử dụng.

Cần hướng dẫn trẻ che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Hướng dẫn trẻ không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Để tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn, cần đảm bảo cho bé một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh: Bổ sung các thực phẩm giàu protein: trứng, thịt, cá... để tăng sức đề kháng cho trẻ. Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc... không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại những virus gây bệnh. Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ. Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng và cho bé ăn các thực phẩm đã được nấu chín.

Hướng dẫn trẻ nhỏ đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.

Cha mẹ cũng cần tập cho bé một lối sống lành mạnh: đảm bảo cho bé ngủ đủ giấc, đúng giờ; rèn luyện cơ thể thường xuyên; tắm nắng để hấp thụ vitamin D...

Súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

Lối sống lành mạnh trong môi trường sống sạch sẽ: Với trẻ nhỏ, cha mẹ cần chú ý hướng dẫn và giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, nếu trẻ có sẵn bệnh mạn tính, phải chăm sóc cẩn thận hơn.

Tránh hoặc hạn chế đến mức thấp nhất trẻ đi đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc trực tiếp với người có dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở, đau họng, đau đầu, chảy nước mũi). Trong trường hợp phải đi đến các nơi tập trung đông người, thì phải đeo khẩu trang đúng cách, giữ khoảng cách khi tiếp xúc (ít nhất 2m). Sau khi đi từ bên ngoài về nhà, cha mẹ nên thay quần áo trước khi chăm sóc và tiếp xúc với trẻ nhỏ.

Giữ ấm cơ thể cho trẻ, nhiệt độ phòng từ 25oC trở lên, tốt nhất là từ 27oC trở lên. Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác. Các đồ vật trẻ hay tiếp xúc như đồ chơi, vật dụng học tập..., thậm chí điện thoại cũng cần được vệ sinh để phòng tránh lây bệnh.

Lưu ý: Khi trẻ có các triệu chứng sốt, ho, khó thở... và có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo ngay cho trung tâm y tế, bệnh viện tuyến huyện. Trước khi đến, nhớ gọi điện thoại thông báo biểu hiện bệnh và tiền sử tiếp xúc, đi lại với cơ sở y tế để được hỗ trợ tốt nhất. Hãy gọi 1900.9095 hoặc 1900.3228 hoặc truy cập trang web: ncov.moh.gov.vn của Bộ Y tế để được tư vấn hoặc tải ứng dụng Sức khỏe Việt Nam để tương tác theo dõi sức khỏe.

Biện pháp phòng ngừa, chăm sóc trẻ em khi đi học trở lại

Sau khi đi học lại, trẻ sẽ tiếp xúc nhiều với những khu vực đông người cũng như các vật dụng công cộng. Do đó, cha mẹ cần có những biện pháp chăm sóc trẻ em hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho bé.

Nhìn chung, vẫn cần duy trì những biện pháp: vệ sinh môi trường xung quanh, vật dụng, đồ chơi của trẻ; cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý... Thêm vào đó, cha mẹ cần tập cho bé ý thức rửa tay thường xuyên: rửa tay khi đến lớp, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chạm vào các vật dụng công cộng; lúc về nhà, sau khi chơi đồ chơi và đeo khẩu trang. Việc giữ cho trẻ nhỏ thường xuyên đeo khẩu trang thường rất khó khăn nên cha mẹ cần khích lệ, động viên và hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang đúng cách.

Cần kiểm tra thân nhiệt cho trẻ trước khi đến lớp. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện không bình thường nào về sức khỏe, không nên cho trẻ đến trường để tránh lây lan cho các trẻ khác. Cha mẹ cũng cần kết hợp với các giáo viên chủ nhiệm để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, cần báo ngay cho lãnh đạo nhà trường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm