Cảm lạnh do một vài loại virus gây ra. Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau ở từng trường hợp. Tuy nhiên sổ mũi, hắt hơi là dấu hiệu dễ nhận biết nhất về cảm lạnh thông thường.
Tác nhân gây bệnh
Cảm lạnh thường do một trong 100 loại virus thuộc nhóm Rhinovirus (một loại của Picornavirus) gây ra. Ngoài ra còn có các loại virus khác như virus á cúm, adenovirus, enterovirus... Do đó, không thể có miễn nhiễm với bệnh cảm, nghĩa là người bệnh cảm rồi vẫn có thể mắc lại. Virus lây truyền từ người qua người bằng một trong 2 cách: Khi người bệnh ho hay hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với nước bọt hoặc dịch tiết của người bệnh.
Trung bình, người lớn thường bị cảm 3 lần/năm nhưng cũng không phải bất thường nếu ai đó bị 6 lần. Tỷ lệ mắc bệnh cảm cao nhất là ở trẻ nhỏ đang tập đi vì hệ miễn dịch chưa phát triển. Trẻ đi học có thể nhiễm cảm cả chục lần trong năm. Con số này sẽ giảm theo độ tuổi. Những người có hệ miễn dịch tốt đối với nhiều loại virus có thể chỉ bị cảm 1-2 lần hoặc thậm chí không bị. Nhiễm trùng đường hô hấp trên là loại nhiễm trùng phổ biến nhất khi bị cảm ở người lớn và trẻ em.
Các loại thực phẩm giàu vitamin C giúp phòng ngừa cảm lạnh.
Dấu hiệu nhận biết
Thông thường, triệu chứng xuất hiện sau 2-5 ngày tiếp xúc với virus, cá biệt có trường hợp khởi phát sau 10 giờ. Biểu hiện đầu tiên của cảm thường chỉ là đau hay rát họng. Các triệu chứng thường gặp khác là chảy mũi, nghẹt mũi, ho hoặc hắt hơi. Những triệu chứng này thường đi kèm với đau cơ, mỏi mệt, nhức mỏi, khó chịu, nhức đầu, chán ăn. Cảm lạnh đôi khi gây sốt, nếu sốt cao có thể làm người bệnh kiệt sức (thường gặp ở bệnh cúm hơn). Những triệu chứng của cảm lạnh thường mất đi sau 1 tuần, nhưng cũng có khi kéo dài đến 14 ngày, trong đó ho thường kéo dài hơn các triệu chứng khác. Trẻ em thường có những triệu chứng nặng hơn và có thể gặp sốt, phát ban.
Một số biến chứng có thể gặp
Cảm lạnh có thể dẫn đến nhiễm trùng cơ hội như viêm phế quản cấp, viêm phổi cấp, viêm xoang, viêm tai giữa... Với những người hen suyễn, khí phế thủng, viêm phế quản mạn thì cảm lạnh có thể làm khởi phát những cơn kịch phát cấp tính.
Cần phân biệt bệnh cảm lạnh với bệnh cảm cúm. Bệnh cúm khác xa với cảm, mặc dù cả hai giống nhau ở giai đoạn đầu - đều gây đau cổ họng, tứ chi ê ẩm và nhức đầu. Tuy nhiên, cảm ít gây sốt và hiếm khi làm thân nhiệt cao hơn 38,80C, trong khi cúm có thể làm thân nhiệt lên trên 39,40C.
Một điểm khác nhau nữa là khi bị cảm, bạn có thể chảy nước mắt, còn cúm thì không nhưng gây đau khắp mình mẩy. Bệnh cúm thường lâu hết gấp đôi so với cảm. Cúm còn dẫn đến viêm phổi, gây nguy hiểm nặng cho sức khỏe của những người trẻ tuổi hoặc người cao tuổi, cũng như ở người bệnh tim, ngực, hệ miễn dịch và rối loạn chức năng thận.
Các phòng ngừa hiệu quả
Cách phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc gần với người bệnh, rửa tay kỹ và thường xuyên; và tránh chạm mặt và miệng. Xà phòng diệt khuẩn thì không có tác dụng với virus cảm, tuy nhiên những động tác cọ rửa sẽ giúp tẩy đi các virus. Ngoài ra tăng cường uống vitamin C có tác dụng như một người lao công dọn dẹp sạch sẽ những rác trong cơ thể, bao gồm cả vi khuẩn, virus. Nhờ công dụng này mà vitamin C có thể được xếp vào một trong những biện pháp cần thiết trị cảm. Ngoài ra, vitamin C còn giúp làm giảm cơn khó chịu của bệnh cảm như ho, nhảy mũi, nghẹt mũi, sổ mũi, bần thần... và nhiều triệu chứng cảm khác. Cách tốt nhất để tăng cường vitamin C là ăn nhiều trái cây cam, bưởi, chanh, hoặc ăn sống các rau cải có màu xanh đậm.
Bên cạnh đó cần vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối loãng bằng cách (khuấy đều một muỗng cà phê muối ăn trong nửa lít nước ấm - khi súc miệng, ngửa cổ lên cho nước muối chạy vào cổ họng, thổi hơi lên tạo thành tiếng kêu trong cổ họng - rồi khạc ra). Hành động này giúp cho cổ họng thông hơn, bớt nghẹt mũi, diệt vi khuẩn và làm khạc ra đờm nhiều hơn.
Theo suckhoedoisong.vn