Cập nhật: 24/04/2020 09:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều cao của con người ảnh hưởng bởi các yếu tố: di truyền; dinh dưỡng; rèn luyện thể lực, môi trường sống... Trẻ có 3 giai đoạn mà cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao, gọi là “giai đoạn vàng” - đó là thời kỳ bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì.

Để trẻ phát triển chiều cao, các bậc phụ huynh cần nắm bắt 3 giai đoạn vàng để phát triển chiều cao và tác động vào 3 yếu tố chính liên quan đến phát triển chiều cao của trẻ.

Yếu tố di truyền

Đến nay, giới khoa học vẫn tiếp tục tranh luận sự khác biệt chiều cao của các dân tộc khác nhau, nhất là quan điểm cho rằng chủ yếu do di truyền và quan điểm kia cho rằng chiều cao tác động từ các yếu tố ngoại cảnh. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sinh học đều thống nhất là sự tăng trưởng của cơ thể chịu ảnh hưởng của cả yếu tố di truyền và ngoại cảnh. Yếu tố di truyền chiếm 23%. Đây được xem là yếu tố không thay đổi được. Hiện nay, có nhiều công thức dự đoán được chiều cao của trẻ, trong đó có 1 công thức dễ nhớ:

Đối với bé trai: Chiều cao của trẻ = [(Chiều cao của bố + Chiều cao của mẹ) + 13cm] / 2.

Đối với bé gái: Chiều cao của trẻ = [(Chiều cao của bố + Chiều cao của mẹ) – 13cm] / 2.

Dinh dưỡng khoa học và hợp lý là giải pháp tốt nhất giúp trẻ cải thiện chiều cao tối đa.

Các yếu tố ngoại cảnh

Yếu tố vận động chiếm 20%. Một đứa trẻ ít vận động, thường xuyên xem tivi, điện thoại thì khó đạt chiều cao tối ưu bằng đứa trẻ vận động đầy đủ. Bởi trong lúc vận động, các đầu xương được kích thích và bồi đắp thêm, từ đó mà phát triển. Các bậc cha mẹ ngày nay chăm sóc con quá kỹ: không cho con tự vận động, đi đâu cũng đưa đón, trẻ ít vận động ngoài trời và ngồi xem tivi, đọc truyện, say mê vi tính thay vì chơi thể thao, tập thể dục các môn giúp tăng chiều cao như đạp xe, đi bộ, bơi lội, bóng rổ, cầu lông... Điều này cũng ảnh hưởng đến việc phát triển chiều cao của trẻ. Yếu tố thứ 3 là môi trường sống, bệnh tật, giấc ngủ chiếm 25%. Nếu sống trong môi trường chật hẹp thì chiều cao của trẻ khó phát huy tối đa được, 1 đứa trẻ bệnh tật triền miên như tiêu chảy, viêm đường hô hấp... cũng ảnh hưởng lớn đến chiều cao sau này. Các gia đình có khuynh hướng ngủ muộn (sau 22 giờ) làm rút ngắn giấc ngủ sâu. Một giấc ngủ sâu bắt đầu từ khoảng 21 giờ; khoảng 22 giờ đến 3 giờ sáng là lúc cơ thể tiết ra hormon tăng trưởng cao nhất, kích thích xương dài hơn. Nếu đêm ngủ không đủ sâu giấc thì trẻ có nguy cơ phát triển chậm lại.

Dinh dưỡng - Yếu tố quan trọng cho chiều cao của trẻ

Cuối cùng và quan trọng nhất là dinh dưỡng, chiếm 32%. Hai thời điểm rất quan trọng để cung cấp đủ dinh dưỡng để phát triển tối đa chiều cao là 1.000 ngày đầu đời và tiền dậy thì. Nếu như can thiệp đúng cách sẽ giúp trẻ cao thêm khoảng 10cm, thậm chí 15cm so với di truyền. Dinh dưỡng bao gồm: cung cấp đủ năng lượng, cân bằng các chất và đặc biệt là nhóm các chất canxi, vitamin D3 và vitamin K2.

Đứng ở góc độ dinh dưỡng, nguyên tắc cơ bản là cho trẻ ăn uống tự nhiên, đa dạng thực phẩm tùy thuộc nhu cầu trẻ và theo dõi sự phát triển của trẻ. Nếu trẻ không tăng trưởng hoặc tăng trưởng chậm so với chỉ số trung bình nghĩa là trẻ cần can thiệp dinh dưỡng. Các phụ huynh nên gặp các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp. Bù đủ khoảng trống năng lượng trẻ thiếu bằng chế phẩm dinh dưỡng như: sữa thông thường, sữa cao năng lượng... Bổ sung khoáng chất cho khung xương: canxi + D3 + K2 bằng các chế phẩm phù hợp, an toàn.

Với mong muốn trẻ có được chiều cao vượt trội, nhiều bà mẹ đã mua một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có thành phần hormon tăng trưởng. Hormon tăng trưởng (GH-Growth hormone) do thùy trước tuyến yên tiết ra có tác dụng ảnh hưởng đến các mô bào trong cơ thể, kích thích tăng trưởng tế bào, làm tăng kích thước và kích thích quá trình phân bào, ảnh hưởng lên toàn bộ quá trình trao đổi chất ở tất cả tế bào, tác động gián tiếp đến mô sụn và xương. Thuốc chứa hormon tăng trưởng là chế phẩm tổng hợp bằng công nghệ sinh học tái tổ hợp gene người (hGH=human growth hormon), được dùng trong một số bệnh, trong đó có làm tăng chiều cao cho trẻ em tuổi đang lớn có chiều cao khiêm tốn mà khi xét nghiệm có nồng độ GH máu thấp nhưng cũng ở mức hạn chế. Với trẻ có chiều cao khiêm tốn nhưng không do thiếu GH thì dùng hGH không có hiệu quả. Khi dùng hGH liều cao hoặc kéo dài thì sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ như: giữ nước, phù, sưng ngón tay, nhức đầu, ngủ gà, sưng đau khớp, đầy bụng... Dùng hGH lâu dài, nhất là dùng ở người đã hết thời kỳ phát triển có thể gây ra chứng to các đầu chi, tăng tần suất bị đái tháo đường, tim mạch, u ác tính đường tiêu hóa...

Vì vậy, phụ huynh lưu ý không được tự ý dùng hormon tăng trưởng để tăng chiều cao mà không có chỉ định của bác sĩ.

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm