Các nhà nghiên cứu của Đại học Chicago, Mỹ đã được trao khoản tài trợ 80.000 USD để phát triển một thiết bị thử nghiệm Covid-19 cầm tay, cung cấp kết quả trong năm phút. Họ hy vọng có thể phát hiện cả virus và kháng thể với giá khoảng 10 USD cho mỗi xét nghiệm.
Mô hình thiết bị thử nghiệm Covid-19 cầm tay, giá cả phải chăng. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có nguyên mẫu trong vòng chưa đầy một năm. Ảnh: Trường Kỹ thuật phân tử Pritzker.
Với sự tài trợ này, các nhà nghiên cứu Jun Huang và Junhong Chen cùng nhóm nghiên cứu thuộc Trường nghiên cứu kỹ thuật phân tử Pritzker và Kathleen Beavis, Khoa Bệnh lý học thuộc Đại học Chicago sẽ cùng nhau tạo ra một thiết bị phát hiện sử dụng công nghệ bóng bán dẫn hiệu ứng trường để cho phép chẩn đoán nhanh Covid-19 ngay ở nhà.
Giá cả phải chăng, thử nghiệm tại nhà
Nhà khoa học Haihui Pu, thành viên trong nhóm nghiên cứu của Giáo sư Junhong Chen cho biết, bộ xét nghiệm tại nhà có thể mang lại sự an tâm cho những người đang lo lắng về nguy cơ tiếp xúc với virus corona tại nơi thử nghiệm. Thiết bị này cũng giúp họ có kết quả nhanh chóng mà không phải chờ đợi lâu hoặc có thể không đủ điều kiện để được xét nghiệm tại các cơ sở y tế.
Theo ông Pu, thử nghiệm tại nhà cung cấp cơ hội để thực hiện tự chẩn đoán ngay cả với các triệu chứng rất nhẹ hoặc trong tình trạng không có triệu chứng. Ngoài ra, nó có giá phải chăng, khoảng 10 USD mỗi lần kiểm tra. Một mức giá phải chăng là rất quan trọng đối với dân số có thu nhập để tiếp cận công nghệ, ông nói thêm.
Để đáp ứng nhu cầu thử nghiệm cao, các nhà nghiên cứu có kế hoạch sử dụng công nghệ tiết kiệm chi phí, linh hoạt, chính xác, đáng tin cậy và có thể xử lý nhiều thông tin một cách nhanh chóng.
Các nhà nghiên cứu có kế hoạch tạo ra một thiết bị cầm tay được lập trình với các lời nhắc từng bước trên màn hình LCD, cho phép sử dụng dễ dàng mà không cần đào tạo trước. Thiết bị sẽ sử dụng các mẫu khác nhau từ bệnh nhân (như mẫu dịch từ mũi và nước bọt) để kiểm tra cả nhiễm virus và kháng thể.
Phát hiện cả virus và kháng thể
Các nhà nghiên cứu dự kiến sẽ có một thiết bị xét nghiệm Covid-19 được hiệu chuẩn trong vòng sáu tháng và hoàn thành các đánh giá về nguyên mẫu trong vòng một năm. Ảnh: Shutterstock.
Theo ông Pu, các công nghệ hiện có chỉ cho phép chẩn đoán Covid-19 bằng cách phát hiện riêng biệt sự hiện diện của virus và kháng thể, lại phải đào tạo chuyên nghiệp để vận hành và mất hàng giờ để đưa ra kết quả.
Còn thiết bị của nhóm nghiên cứu sẽ phát hiện các hạt virus và kháng thể đồng thời.
Để thực hiện điều này, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Nicholas Ankenbruck đang làm việc tại phòng thí nghiệm của Giáo sư Huang giải thích: “Chúng tôi cố định các đầu dò đặc hiệu cho virus hoặc kháng thể trên bề mặt thiết bị, sau đó theo dõi sự thay đổi của các phép đo điện khi có mẫu”.
Phát hiện kết hợp này rất quan trọng, Ankenbruck cho biết, bởi vì nó có thể gợi ý ở giai đoạn nhiễm virus hoặc cho biết cá nhân đó không thể tạo ra kháng thể để chống lại nhiễm bệnh. Nói cách khác, mọi người có thể sử dụng thiết bị xét nghiệm để theo dõi tiến triển của bệnh tại nhà.
Chẳng hạn, nếu người dùng thực hiện xét nghiệm khi họ có triệu chứng lần đầu, họ có thể phát hiện virus nhưng không có kháng thể. Một tuần sau, người dùng đó có thể phát hiện cả virus và kháng thể, cho thấy cơ thể họ đang bắt đầu chống lại virus. Và nếu người dùng không khá hơn trong khung thời gian theo dõi, họ sẽ biết đã đến lúc gọi bác sĩ để can thiệp.
Hợp tác để cho ra đời thiết bị trong một năm
Mỗi thành viên của nhóm nghiên cứu mang lại chuyên môn cụ thể cho dự án. Giáo sư Chen, cũng là nhà chiến lược hàng đầu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne, có nhiều kinh nghiệm về vật liệu nano. Nhóm của ông sẽ cung cấp nền tảng cảm biến trung tâm cho thiết bị. Còn Giáo sư Huang và nhóm phòng thí nghiệm của ông tập trung vào miễn dịch học. Họ sẽ phát triển virus thử nghiệm (pseudovirus), hoặc virus tổng hợp, để cho phép tối ưu hóa thiết bị.
Giáo sư bệnh học Kathleen Beavis, Giám đốc Y khoa của Phòng thí nghiệm Vi sinh và Miễn dịch học, Đại học Chicago sẽ đóng góp chuyên môn lâm sàng trong thực hành thử nghiệm hiện tại để đánh giá hiệu suất của thiết bị.
Chương trình Big Ideas Generator (BIG) đã trao cho nhóm nghiên cứu 80.000 USD tài trợ chi phí trực tiếp cho các nghiên cứu giai đoạn đầu tại Đại học Chicago, có tiềm năng phát triển thành các lĩnh vực nghiên cứu mới lạ và mạnh mẽ.
Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Ankenbrank cho biết, việc tạo ra một xét nghiệm chính xác sẽ yêu cầu sử dụng các vật liệu sinh học để đánh giá toàn diện trước khi chuyển sang các mẫu bệnh nhân thực tế.
“Tài trợ mới này cho phép chúng tôi mua tất cả các nguyên liệu cần thiết để tinh chỉnh và hiệu chỉnh thiết bị, bảo đảm thiết bị đã sẵn sàng để sử dụng cho bệnh nhân”, ông nói.
Ông cho biết nhóm dự kiến sẽ có một thiết bị hiệu chuẩn trong vòng sáu tháng và hoàn thành các đánh giá về nguyên mẫu trong vòng một năm.
“Hy vọng lớn nhất của chúng tôi là cung cấp một thiết bị cảm biến chính xác chẩn đoán và theo dõi Covid-19 để bán ra thị trường, tạo điều kiện bình thường hóa trở lại trong dịch Covid-19”, ông cho biết.
LÊ LÂM (Theo Scitechdaily)/nhandan.com.vn