Mặc dù chương trình kích cầu du lịch nội địa của tỉnh Hà Giang bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 7, nhưng ngay sau khi hết giãn cách xã hội khách du lịch đã tìm đến Hà Giang. Vùng đất địa đầu Tổ quốc này vẫn là một trong những nơi thiêng liêng, hùng vĩ bất kỳ người Việt nào cũng mơ ước một lần được đặt chân đến.
Đi thuyền trên sông Nho Quế
Vùng đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc
PGS.TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch (Đại học Văn Hoá) cho rằng Hà Giang đang thay đổi rất nhanh, rất tốt và ông gợi ý 6 điểm chính cho du lịch Hà Giang. Trong đó ông nhấn mạnh việc cần phải xây dựng dự án quốc gia “Công viên chiến trường” tại Vị Xuyên với đền đài, nghĩa trang, chiến hào, hầm chốt, trận địa pháo... để mãi mãi nhớ về những tháng ngày đau thương mà hào hùng của dân tộc.
Không ai có thể cầm được nước mắt khi trên cao điểm 468, được nghe chính cựu chiến binh Phạm Ngọc An của chiến trường Thanh Thuỷ, Vị Xuyên nói về những ngày tháng của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc kéo dài một thập kỷ, hàng nghìn chiến sĩ quân đội Việt Nam đã hy sinh khi chiến đấu giành từng tấc đất biên cương. Chiến trường Vị Xuyên khốc liệt, nơi nổi danh với những “đồi thịt băm”, “lò vôi thế kỷ”, “thung lũng gọi hồn” sẽ nhắc nhở con cháu, những thế hệ mai sau về sự hi sinh của các anh, những người “sống bám đá, chết hoá đá, thành bất tử”. Giọng cựu binh Ngọc An đến giờ vẫn run run khi đọc bài thơ về đồng đội mình: “Bọn mày ơi mẹ đã yếu lắm rồi. Lưng đã còng, mắt không nhìn rõ nữa. Vẫn sớm trưa mẹ mỏi mòn ngóng đợi. Vẫn mong mày về, dù chỉ nắm xương thôi”.
Bà Bùi Thục Anh, Phó giám đốc Công ty CP du lịch và dịch vụ Hy Vọng (Esperantotur) cho biết: “Đã từ lâu, chiến trường xưa Vị Xuyên là điểm đến không thể bỏ qua khi chúng tôi làm tour đến Hà Giang. Đây thực sự là điểm du lịch tâm linh, du lịch hoài niệm vô cùng quan trọng. Hướng tới kỷ niệm 36 năm ngày giỗ trận Vị Xuyên (12.7.1984 - 12.7.2020), từ ngày 4-5.7, công ty chúng tôi tiếp tục tổ chức chương trình tri ân các anh hùng, liệt sĩ Tiếp nối hành trình thắp sáng ký ức. Với sự cho phép của các Sở, ban, ngành, chúng tôi sẽ thay hoa sen và cờ đỏ sao vàng trên 1.900 ngôi mộ tại nghĩa trang Vị Xuyên”.
Khuyến khích khách check-in khi đến Hà Giang
Đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng: Hiện nay thông tin về điểm đến Hà Giang tới khách du lịch và các công ty du lịch vẫn còn thiếu. Hà Giang cần tập trung marketing, xúc tiến đầu tư, truyền thông điểm đến bằng nhiều hình thức truyền thông khác nhau và nên khuyến khích khách checkin khi đến Hà Giang. Bên cạnh đó, hiện nay việc hạ tầng giao thông yếu kém, hệ thống cơ sở du lịch còn thiếu thốn, thiếu các dịch vụ gia tăng khiến du lịch Hà Giang chưa thể bứt phá.
Đại diện cho Vietravel, một công ty du lịch hàng đầu Việt Nam, chuyên đưa khách tới Hà Giang từ nhiều năm nay, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó giám đốc sản phẩm của Vietravel khẳng định Hà Giang có quá nhiều tiềm năng phát triển du lịch, ai đã từng đến Hà Giang đều yêu mảnh đất này ngay. Việc hướng tới thị trường nội địa của Hà Giang thời điểm này là rất đúng để hồi phục ngành Du lịch. Trải nghiệm giá trị văn hóa Hà Giang đã chạm đến trái tim, cảm xúc của chúng tôi trong hành trình du lịch. “Tuy nhiên, cần đảm bảo an toàn cho khách, đường xuống bến thuyền thăm sông Nho Quế hiện chưa thực sự an toàn. Trong khi đó, việc đầu tư nâng cấp đoạn đường đi bộ xuyên đồi ngô đi xuống sông không quá phức tạp và cần phải làm ngay. Đường đi bộ qua Vách đá trắng khá an toàn, chắc chắn khách sẽ đi được nhưng cũng cần nâng cấp thêm đoạn đường này cho dễ đi hơn, đồng thời kết hợp để đưa khách vào thăm một bản của người dân tộc thiểu số để giao lưu với người dân, tăng trải nghiệm cho khách…”, bà Tú Uyên nói.
Ông Cao Quốc Chung, Phó giám đốc Vidotours, doanh nghiệp chuyên đón khách châu Âu vào Việt Nam, đã nhiều năm gắn bó với cung Đông- Tây Bắc cho rằng Hà Giang và các tỉnh lân cận nên kết nối sản phẩm, hình thành những chùm tour đủ dài và tránh mệt cho du khách. Muốn như thế, các tỉnh cần có những khảo sát cụ thể, nghiêm túc, có trách nhiệm và đề xuất việc nâng cấp hạ tầng giao thông đường thuỷ, đường bộ. Các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Bắc Mê hiện đều thiếu khách sạn. Muốn phục vụ khách tốt, chắc chắn bà con tham gia làm du lịch homestay phải được đào tạo, bồi dưỡng thêm các kỹ năng. Tránh kiểu đào tạo nhân lực du lịch nặng về một mớ lý thuyết, bản nào cũng như bản nào, người Mông cũng như người Dao, người Tày. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người địa phương tăng thêm tính thân thiện khi giao tiếp với du khách.
Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Hà Giang cần quy hoạch, đầu tư xây dựng thành phố Hà Giang trở thành: “Thành phố bên bờ Lô giang” với những cây cầu treo và quy hoạch hai bên bờ sông ấn tượng phục vụ du lịch. Biến thành phố Hà Giang thành trung tâm hội tụ và lan tỏa các dòng du khách đến, đi các huyện trong tỉnh. Nghiên cứu, xây dựng những “Vọng sơn đài” ở những vị trí đắc địa như Cổng trời Cán Tỷ, Cua chữ M... để cho du khách ngắm cảnh, chụp ảnh. Đồng thời cho rà soát, đầu tư, tu bổ hệ thống lan can, tay vịn ở các lối đi bộ xuống thuyền đi tham quan hẻm Tu Sản trên dòng sông Nho Quế, Vách đá trắng trên đèo Mã Pí Lèng... đảm bảo cho du khách thật sự an toàn. Thuyền trên sông Nho Quế là thuyền máy, đã thấy một vài thuyền có loa kéo, mở nhạc. Nhiều người trong chúng tôi vẫn mơ ước được chèo thuyền độc mộc hoặc kayak trên sông và lo ngại rằng, nếu trên sông Nho Quế mà nhạc mở quay cuồng như Rừng dừa Bảy Mẫu (Hội An) thì Nho Quế sẽ không còn là Nho Quế nữa. Yên tĩnh và hùng vĩ mới là vẻ đẹp bất tử của Hà Giang.
Ông Trần Hữu Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết tỉnh vẫn đang tiếp tục cải thiện nâng cấp hạ tầng giao thông, du lịch; Đào tạo nguồn nhân lực bài bản hơn; Xây dựng sản phẩm đặc trưng, ấn tượng hơn… để mỗi lần đến Hà Giang khách muốn ở lại lâu hơn, an toàn, thân thiện.
Theo THUÝ HÀ/baovanhoa.vn