Cập nhật: 11/07/2020 08:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kim ngạch thương mại được kì vọng tăng trưởng nhờ vào tận dụng được ưu thế từ hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực từ đầu tháng 8 tới.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2020 ước tính giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 238,39 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008/2009, với mức giảm 1,1%, ước đạt 121,21 tỷ USD; Tương tự, kim ngạch nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 117,17 tỷ USD.

Nêu rõ những khó khăn trong xuất nhập khẩu nửa đầu năm 2020, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, đến nay đã có trên 80% các nhà mua hàng xuất sang thị trường Mỹ thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng đợi tình hình mới. 81% DN xuất khẩu sang thị trường EU đã nhận được thông báo hủy đơn và giãn đơn hàng. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm từ 60-80%.

Đáng chú ý, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại các khách hàng không tới nhà máy duyệt mẫu. Do đó, các DN gỗ Việt chưa ký được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 – 2021. Điều này kéo theo nhiều nhà máy tiềm ẩn nguy cơ đóng cửa và ngừng hoạt động trong thời gian tới, hàng trăm nghìn lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp, không đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian dài.

Thủy sản có nhiều tiềm năng khi khai thác và tận dụng Hiệp định EVFTA.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian.

Từ những phân tích trên, Bộ Công Thương cho rằng, trong những tháng tới, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục, nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều chuyên gia cũng chung nhận định, cục diện thương mại nửa cuối năm của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tình hình dịch Covid-19 được khống chế trên phạm vi toàn cầu, cũng như việc tận dụng được ưu thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ 1/8/2020.   

EVFTA sẽ là cơ hội lớn cho xuất khẩu cuối năm

Bên cạnh khó khăn, Bộ Công Thương cũng chỉ ra không ít yếu tố hỗ trợ xuất khẩu nửa cuối năm. Điển hình như, thời gian qua, chuỗi cung ứng, thị trường xuất nhập khẩu bị gián đoạn do tác động của dịch Covid-19. Nhưng từ giữa tháng 4 đến nay, tình hình đã từng bước cải thiện, các nước châu Âu từng bước mở cửa trở lại đối với nền kinh tế.

Cụ thể, nhiều quốc gia đã tung ra các gói kích cầu quy mô lớn, tăng cường chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Còn tại Mỹ, tính đến cuối tháng 5, tất cả 50 tiểu bang ở Mỹ đã mở cửa lại từng phần sau khi đóng cửa 2 tháng để thực hiện các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch.

Đáng chú ý, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2020 tạo ra động lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới. Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này sẽ tạo động lực cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, với Hiệp định EVFTA, Việt Nam có thế mạnh rất lớn khi khu vực châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, Hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam.

“Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm", ông Hải chỉ rõ.

Gạo là mặt hàng có lợi thế tăng kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm

Đối với các mặt hàng nông, thủy sản khác, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, EU cam kết mở cửa mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, cụ thể là xóa bỏ 94% trong số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, do EU là thị trường bậc cao nên các DN muốn được hưởng ưu đãi về mặt thuế quan cần hết sức lưu tâm đến các hàng rào kỹ thuật tại thị trường này.

“Muốn tận dụng tốt cơ hội, nông, thủy sản Việt Nam phải vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn khắt khe… Từ năm 2016, ngành nông nghiệp đã tập trung vào các vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã bao bì… để ứng xử không chỉ với EVFTA mà còn nhiều FTA khác. Bởi không chuẩn hóa thì không thể hội nhập bền vững”, ông Toản nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác xuất khẩu hàng hóa nửa cuối năm 2020, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng nhận định, nếu EU khống chế được dịch Covid-19 trong quý II để bắt đầu quý III, quý IV khôi phục lại hoạt động sản xuất, Hiệp định EVFTA sẽ là tuyến đường, cánh cửa rộng để đưa hàng sang thị trường EU.

“Thị trường EU sẽ cần nhập khẩu các mặt hàng như dệt may, giày dép, đồ gỗ, đặc biệt là điện thoại, linh kiện điện tử… Đây toàn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và chủ lực của Việt Nam. Nếu tận dụng tốt được Hiệp định EVFTA, Việt Nam vẫn có thể bù đắp được thiệt hại về kim ngạch thương mại trước đó do dịch Covid-19 gây ra”, ông Thắng cho biết./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Tệp đính kèm