Cập nhật: 13/08/2020 09:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thủ tướng yêu cầu phải có quy trình xử lý nhanh, xét nghiệm rộng để phòng chống dịch Covid-19.

Chiều 12/8, tại phiên họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với 15 địa phương về phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, cả nước đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, người dân đã có sự bình tĩnh hơn trong đợt dịch lần này. Để tránh tình trạng dịch lây lan, nhất là từ các bệnh viện, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế cần có một quy trình chuẩn xử lý những ca nghi mắc Covid-19, không để bệnh nhân đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác hoặc kéo dài thời gian trong bệnh viện.

Thời gian vừa qua, cả nước đã bình tĩnh, căn cơ, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 kịp thời nên cơ bản đạt hiệu quả. Trong đó một số biện pháp được triển khai rộng rãi như kêu gọi người dân rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp

Những ngày qua, ngành y tế, các địa phương có dịch và nhiều địa phương ở Tây nguyên, đồng bằng Bắc Bộ đều rất cố gắng trong phòng chống dịch. Nhiều địa phương giúp đỡ lẫn nhau, trong đó trên 300 bác sĩ, nhân viên y tế từ nhiều nơi đến hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam. Nhiều nhà hảo tâm cả nước đã tài trợ vật tư thiết bị y tế để giúp các địa phương và bệnh viện phòng chống dịch.

Tinh thần phát huy tổng lực để chống dịch ở từng địa bàn được thực hiện tốt, việc phối hợp giữa các lực lượng nhuần nhuyễn, Thủ tướng cho rằng có thể rút ra một số công thức tốt trong chống dịch là “phát hiện-phát hiện nhanh, cách ly-cách ly nhanh, xét nghiêm-xét nghiệm rộng và nhanh”. 

Yêu cầu Bộ Y tế đáp ứng các đề nghị của các địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch, Thủ tướng cho rằng Bộ cần hỗ trợ các địa phương thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn, không được để dịch bùng phát từ cơ sở y tế. Trang bị đầy đủ kịp thời phương tiện bảo hộ cho đội ngũ phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo. Các nhà máy, cơ sở sản xuất phải tự đánh giá tiêu chí an toàn và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp. Các bệnh viện và khu công nghiệp phải giám sát chặt chẽ về y tế phòng dịch. Bộ Y tế cần nghiên cứu khả năng dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu, tổ chức các cơ sở cách ly dân sự tốt hơn.

Chỉ trong thời gian ngắn đã có 16,1 triệu điện thoại thông minh cài ứng dụng Bluezone, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp tục cài đặt ứng dụng này, góp phần phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu ngành y tế đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vắc xin, lập hồ sơ điện tử bệnh nhân, đặc biệt là lập phác đồ điều trị hiệu quả, nhất là đối với các bệnh nhân nặng để hạn chế tử vong. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế cần có một quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm Covid-19, không để bệnh nhân đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác hoặc kéo dài thời gian trong bệnh viện.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Các trường hợp ho, sốt, viêm hô hấp…phải kiểm tra xử lý ngay. Đang dịch bệnh nặng nề ở cả Việt Nam và thế giới mà ho sốt lại không có biện pháp tức thời. Những người quản lý phải có ý thức trong việc này. Không chỉ trong bệnh viện, tất cả mọi công dân Việt Nam ở mọi miền của tổ quốc, nếu ho, sốt, viêm đường hô hấp đều phải kiểm tra tức thì để ngăn chặn Covid-19.

Đây là một kinh nghiệm từ chỉ đạo có thể kết luận. Chúng tôi cũng đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách đối với các đối tượng có nguy cơ cao, người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch, người có bệnh lý mãn tính…Đây là giãn cách xã hội đối với cá nhân người đó để tránh lây nhiễm và rủi ro".

Từ kinh nghiệm Quảng Nam và Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu thành lập các tổ tuyên truyền và giám sát Covid-19 tại cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà các đối tượng nghi ngờ và báo cho nhân viên y tế kiểm tra. Đặc biệt đẩy mạnh công tác này ở các địa phương có lây nhiễm.

Cùng với yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới, đảm bảo an ninh trật tự, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cả nước: "Từng địa phương nên suy nghĩ một chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả cả về kinh tế và y tế. Các địa phương nên đánh giá mức độ rủi ro từng khu vực trong một địa phương mà không nhất thiết phong thỏa toàn bộ Thành phố hoặc quận huyện trong thời gian quá dài mà chỉ áp dụng đối với các khu dân cư có nguy cơ lây lan cao với nhân viên an ninh giám sát 24/7.

Chúng ta đề cao công tác phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan mất cảnh giác, nhưng việc đóng cửa nghiêm ngặt ở quy mô quá rộng không chỉ tê liệt mọi hoạt động kinh tế xã hội mà còn tác động đến tâm lý, tình cảm của người dân và xã hội. Các đồng chí phải tỉnh táo, biết cách làm phù hợp, không thể coi thường tính mạng của người dân, nhưng không thể đóng cửa mọi hoạt động".

Cho biết nhận được sự phàn nàn về việc không đám mua sinh phẩm và bộ kit xét nghiệm do sợ sai phạm, Thủ tướng nhắc lại, theo Điều 22 Luật đấu thầu thì quy định rõ việc chỉ định thầu trong điều kiện có dịch bệnh. Thẩm quyền thuộc về Bộ Y tế, Sở Y tế 63 tỉnh, thành và các trung tâm y tế. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế làm việc với Tổng cục Hải quan để công bố giá vật tư, sinh phẩm nhập khẩu sớm hơn nữa, từ đó tính toán các chi phí khác như vận chuyển, thuế… để có mức giá phù hợp. 

Đối với bộ kit xét nghiệm, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp phép cho một số đơn vị trong nước có khả năng sản xuất, Thủ tướng yêu cầu thành lập tổ liên ngành gồm y tế, tài chính, kế hoạch và đầu tư, bảo hiểm, một số bệnh viện lớn, mời các nhà sản xuất đến làm việc để xác định mức giá trên cơ sở đảm bảo lợi nhuận cần thiết cho doanh nghiệp, chốt mức giá trần và thông báo mức giá này trên toàn quốc. Thủ tướng hoan nghênh các địa phương có thể mua với giá thấp hơn giá trần.

Tương tự đối với thiết bị sinh phẩm nhập khẩu, Thủ tướng yêu cầu mời các nhà nhập khẩu đàm phán, chốt giá trần, công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần quản lý tốt hơn rác thải y tế bởi có nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nguồn này như khẩu trang, que thử… Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng báo cáo phương án tiếp nhận những người có nhu cầu bức thiết về nước.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng đánh giá kỳ thi diễn ra tốt và 97% số thí sinh đã dự thi, đồng thời yêu cầu Bộ phối hợp với các địa phương để tổ chức tốt nhất kỳ thi cho 3% số thí sinh còn lại./.

Theo Vũ Dũng/VOV.VN

Tệp đính kèm