Thoát vị rốn là một trong những mặt bệnh bẩm sinh thường gặp ở rốn. Hầu hết các bé đều được phát hiện rất sớm trong 6 tháng đầu sau sinh. Bệnh lý này có thể tự khỏi khi bé dưới 3 tuổi. Trong thời gian đó cần theo dõi tình trạng rốn của bé, nếu có các dấu hiệu viêm của da vùng rốn (sưng, nóng, đỏ, đau) hoặc bé sốt, đau bụng thì cần cho bé đi khám ngay vì nếu để lâu, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Điều trị thoát vị rốn không khó, chớ để lâu!
Vừa quá, các bác sĩ khoa Ngoại tổng quát – Bệnh viện quận Thủ Đức đã thực hiện phẫu thuật thành công cho một bé gái 5 tuổi bị thoát vị rốn với hình thức mổ hở xuất viện ngay trong ngày. Trong lúc dịch COVID-19 đã quay trở lại và khá phức tạp, cần hạn chế tối đa tiếp xúc lây nhiễm thì phương pháp phẫu thuật này sẽ cho phép bệnh nhân phẫu thuật và xuất viện về ngay trong ngày.
Mẹ bé H.K.V. tâm sự “Gia đình chị ở Bình Định. Năm nay bé V. bao nhiêu tuổi thì đó là bấy nhiêu năm bé phải khổ sở vì khối phồng ở vị trí rốn. Ngay từ khi sinh ra bé V. sinh ra đã có một khối lồi chỗ rốn. Khối phồng to lên khi bé vận động nhiều và gây ra các cơn đau nhất là mỗi khi trời lạnh. Nhiều lần chị định đi chữa bệnh cho con nhưng lại nghe mọi người bảo bé còn nhỏ, cứ chờ vài năm khối phồng sẽ tự xẹp xuống nên chị chần chừ mãi. Lần này, thấy con được nghỉ hè nên chị dẫn bé đến nhà họ hàng trên thành phố để chơi chứ cũng chưa tính đến việc khám chữa bệnh cho con. Nghe con cứ than đau nên chị quyết định đưa con đến Bệnh viện quận Thủ Đức thăm khám theo lời khuyên của người thân. Sau khi thăm khám, bác sĩ khuyên chị nên cho bé mổ luôn vì bé đáp ứng mọi điều kiện phẫu thuật xuất viện ngay trong ngày. Chị cũng lo lắng lắm do không có sự chuẩn bị nhưng sau phẫu thuật chị thấy rất hài lòng, chỉ 30 phút phẫu thuật đã trút bỏ mọi gánh nặng của bé và gia đình”.
Bé H.K.V. được các bác sĩ khám sau mổ
Thông thường, phương pháp phẫu thuật xuất viện ngay trong ngày được dùng cho hình thức mổ nội soi. Trường hợp bé V. thì bác sĩ lại lựa chọn mổ hở. Vì sao lại chọn mổ hở? Bác sĩ Mai Hóa – Trưởng khoa Ngoại Tổng quát giải thích thêm “Sau khi thăm khám cho bé, nhận thấy đây là bệnh lý thoát vị thành bụng ngay vị trí rốn nên chúng tôi lựa chọn phương pháp mổ hở với lý do với đường rạch da hình cung theo vết hằn tự nhiên của da vùng rốn đảm bảo được tính thẩm mỹ so với việc mổ nội soi có đến 3 vết mổ quanh thành bụng; thời gian hồi phục lại như nhau.”
Theo các bác sĩ, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tâm lý ngại tập trung ở những nơi đông người, phẫu thuật xuất viện về ngay trong ngày đang là hình thức được áp dụng phổ biến tại Bệnh viện quận Thủ Đức. Phẫu thuật xuất viện trong ngày không chỉ tối ưu chi phí, thời gian nằm viện, mà còn giảm nguy cơ nhiễm trùng tại bệnh viện cho người bệnh. Dĩ nhiên, chọn lựa hình thức phẫu thuật nào chăng nữa thì sự an toàn của người bệnh luôn là điều kiện tiên quyết hàng đầu.
Thoát vị rốn có thể dẫn tới biến chứng
BS Huỳnh Tấn Đạt – khoa Ngoại Tổng quát (Bệnh viện quận Thủ Đức) cho biết: Thoát vị rốn là một trong những mặt bệnh bẩm sinh thường gặp ở rốn. Hầu hết các bé đều được phát hiện rất sớm trong 6 tháng đầu sau sinh. Bệnh lý này có thể tự khỏi khi bé dưới 3 tuổi. Trong thời gian đó cần theo dõi tình trạng rốn của bé, nếu có các dấu hiệu viêm của da vùng rốn (sưng, nóng, đỏ, đau) hoặc bé sốt, đau bụng thì cần cho bé đi khám ngay vì nếu để lâu, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, như nghẹt, đau ở cổ túi thoát vị, có thể gây tắc ruột, thủng ruột, hoại tử ruột,…
Thoát vị rốn ở trẻ nhỏ hiếm khi gây biến chứng. Tuy nhiên đôi khi một đoạn quai ruột có thể bị kẹt trong khối thoát vị và không thể đẩy ngược trở lại ổ bụng. Máu tới đoạn ruột đó ít đi, gây đau ở vùng rốn và tổn thương mô ruột. Trầm trọng hơn, đoạn ruột có thể bị nghẹt, hoàn toàn không nhận được máu, dẫn tới hoại tử. Nhiễm trùng có thể lan tỏa trong ổ bụng, đe dọa tính mạng.
Theo Hà An/suckhoedoisong.vn