Lửa giận dữ lại bao trùm nước Mỹ sau khi cảnh sát bắn bị thương người da màu tại thành phố Kenosha, bang Wisconsin hôm 23/8 vừa qua.
Cũng giống như vụ công dân da màu George Floyd bị cảnh sát da trắng bắn chết ở thành phố Minneapolis hồi tháng 5, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Mỹ nhằm kêu gọi công lý cho người da màu và chống nạn phân biệt chủng tộc.
Ảnh: Reuters
Tại thành phố Kenosha, nơi xảy ra vụ việc, các cuộc biểu tình hôm qua (25/8) đã biến thành bạo lực khi cảnh sát chống bạo loạn xung đột với người biểu tình phản đối chính quyền thành phố áp đặt lệnh giới nghiêm. Nhiều tòa nhà thương mại và tòa nhà chính phủ đã bị phóng hỏa. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay, đạn cao su và đạn khói để giải tán người biểu tình lên tới vài trăm người.
Trước đó, hôm 24/8, một cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ. Trong một phản ứng mới nhất, Thống đốc bang Wisconsin Tony Evers cảnh báo, biểu tình là phần cốt yếu của một nền dân chủ nhưng “có ranh giới mong manh giữa tụ tập ôn hòa và những hành vi có thể gây nguy hiểm cho cá nhân, gia đình và hộ kinh doanh”.
Trước đó, ngày 23/8, cảnh sát đã bắn vào Jacob Blake, người da màu 29 tuổi. Theo cảnh sát, vụ việc xảy ra khi họ nhận được thông báo về một sự việc liên quan đến bạo lực gia đình. Cảnh sát không giải thích nguyên nhân dẫn tới hành động nổ súng, song cho biết cơ quan tư pháp bang Wisconsin sẽ điều tra vụ việc.
Trong khi đó, một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội và truyền thông Mỹ cho thấy người đàn ông trên đang đi bộ hướng về một chiếc ô tô, theo sau là hai cảnh sát. Một trong hai cảnh sát này đã nổ súng ở khoảng cách gần khi người này mở cửa xe. Truyền thông dẫn lời người dân cho biết 7 tiếng súng đã vang lên.
Ông Patrick Salvi, một luật sư gia đình cho biết: “Chúng tôi sẽ theo đuổi đến cùng vụ kiện dân sự này và sẽ buộc những kẻ sai trái phải chịu trách nhiệm về sự bất công này. Jacob Blake là một người trẻ tuổi và tương lai vẫn đang ở phía trước. Điều anh ấy cần bây giờ và những gì mà hệ thống tư pháp dân sự có thể cung cấp trong những trường hợ như thế này là một sự chăm sóc y tế tốt nhất để tối đa hóa khả năng phục hồi của anh ấy. Chúng tôi sẽ chiến đấu để anh ấy được hưởng những điều này”.
Không chỉ tại Kenosha, các cuộc biểu tình yêu cầu công lý cho Jacob Blake và chống nạn phân biệt chủng tộc cũng diễn ra tại nhiều thành phố của Mỹ. Vụ việc xảy ra vào một thời điểm khá nhạy cảm khi dư luận Mỹ vẫn chưa nguôi sau vụ công dân da màu George Floyd bị cảnh sát da trắng bắt chết ở thành phố Minneapolis cách đây chỉ hơn 3 tháng. Rất nhiều cuộc biểu tình khi đó đã biến thành bạo loạn với các hành vi cướp phá và đối đầu với cảnh sát tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ.
Nhiều luật sư trên khắp nước Mỹ đã thông báo sẽ tới thủ đô Washington vào ngày 28/8 tới để tham gia một cuộc tuần hành quy mô lớn nhằm chống lại tình trạng bạo lực của cảnh sát. Sự kiện diễn ra đúng dịp kỷ niệm lần thứ 57 bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” (I have a Dream) của nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng người Mỹ gốc Phi Martin Luther King về một nước Mỹ vĩ đại có thể “biến những tiếng kêu bất hòa trong lòng dân tộc thành bản giao hưởng của tình anh em.”
Cho tới nay, Tổng thống Donald Trump vẫn chưa lên tiếng về vụ việc. Song theo giới quan sát, cách thức chính quyền Tổng thống Donald Trump xử lý cuộc khủng hoảng sẽ phần nào gây tác động tới ý kiến cử tri, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống tại nước này đang tới gần.
Ở cương vị đối thủ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử, cựu phó Tổng thống Joe Biden đã coi việc thu hẹp bất công xã hội là một át chủ bài và đã cam kết bơm thêm 700 tỷ USD vực dậy kinh tế sau khủng hoảng Covid-19, mở rộng các biện pháp bảo hiểm y tế và nhất là tạo cơ hội bình đẳng hơn cho con em các hộ gia đình nghèo vẫn có thể bước vào các trường đại học./.
Theo Thu Hoài/VOV1