Cập nhật: 14/09/2020 10:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình mới trên Biển Đông, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam đối với lịch sử dân tộc, là nhân tố quan trọng bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình để phát triển đất nước…”. Đó là ý chí, quyết tâm sắt đá của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình mới trên Biển Đông, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đặt ra nhiều khó khăn, thách thức và đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng lòng, vững chí, huy động sức mạnh tổng hợp, xây dựng “thế trận lòng dân”, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đây cũng là nội dung của phần cuối loạt bài: “Sắt son lời thề giữ biển” với nhan đề: “Tự cường để giữ biển”.

Biên đội tàu của HQNDVN huấn luyện trên biển.

Giữa mênh mông sóng nước, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trước cột mốc chủ quyền trên đảo, Thượng tá Bùi Thanh Tùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cũng như các cán bộ chiến sĩ trên đảo, mỗi lần hát quốc ca và đọc những lời thề danh dự của quân nhân đều cảm thấy vô cùng xúc động, như thêm một lần hứa với thế hệ cha anh, với nhân dân, với Tổ quốc về quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo. Giữ vững lời thề: Còn người, còn biển đảo

“Để tiếp nối truyền thống và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng của các thế hệ cha anh đi trước, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các lực lượng trên đảo nguyện đoàn kết một lòng, trung thành sắt son với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, thực hiện trọn vẹn lời thề giữ đảo”- Thượng tá Bùi Thanh Tùng khẳng định.

Song Tử Tây là đảo đầu tiên ở quần đảo Trường Sa được giải phóng trong những ngày tháng 4 năm 1975 lịch sử. Cũng như những đảo khác ở Trường Sa, từ sau ngày giải phóng đến nay, các cán bộ chiến sĩ Hải quân và nhân dân nơi đây luôn vượt lên khó khăn, gian khổ, nâng cao cảnh giác, với ý chí quyết tâm “còn người, còn biển, đảo”, “một tấc không đi, một li không rời”.

Trong không gian bao la của biển cả, những nhà giàn DK1 sừng sững hiên ngang chốt giữ chủ quyền ở thềm lục địa phía Nam. Chông chênh giữa biển, nhìn lên là bầu trời, nhìn xuống là biển sâu thăm thẳm, vậy mà có những người lính đã bám trụ nhà giàn 26 năm như Trung tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/16. Nhà giàn gắn bó với anh đến nỗi, mỗi năm chỉ về phép có một lần, nhưng về nhà được vài hôm lại đã thấy nhớ nhà giàn. Anh gửi lời nhắn nhủ với đất liền, với nhân dân: “Với tâm niệm là một chỉ huy trưởng, va chạm với nước ngoài không phải ít, thâm niên trên biển khá dài, chúng tôi mong rằng bà con và nhân dân cả nước hãy tin vào Hải quân và bộ đội nhà giàn. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ nhà giàn, với tinh thần “còn người, còn nhà giàn”.

Cán bộ, kiểm ngư viên Chi đội Kiểm ngư 4 tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân khai thác trên biển.

Đã có biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ dành trọn tuổi thanh xuân của mình để những nhà giàn, đảo chìm, đảo nổi… trở thành những “pháo đài thép” hiên ngang trên biển. Phải là những người có tinh thần thép và ý chí sắt đá mới có thể bám trụ dài ngày như thế giữa biển khơi. Trung tá Nguyễn Văn Đồng, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1, Tiểu đoàn DK1, BTL vùng 2 Hải quân chia sẻ: “Tinh thần thép thể hiện lúc sóng gió bão giông, cuồng phong bão giật, chúng tôi kề vai, sát cánh động viên nhau khắc phục và chiến thắng sóng gió trong điều kiện khó khăn nhất. Ai cũng muốn gần vợ con, người thân, nhưng khi ra công tác ở nhà giàn, chúng tôi đều xác định nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền là trên hết”.

Dưới cái nắng như nung tại Quân cảng Cam Ranh, nhưng các cán bộ chiến sĩ vẫn miệt mài huấn luyện tập trận báo động, huấn luyện các phương án tác chiến của các ngành trên tàu hộ vệ tên lửa mới nhất mang tên Quang Trung và Trần Hưng Đạo tại Quân cảng Lữ đoàn “thép” 162, Vùng 4 Hải quân. Cặp tàu hộ vệ tên lửa mang tên Quang Trung và Trần Hưng Đạo là loại tàu lớp Gepard 3.9 hiện đại bậc nhất khu vực hiện nay. Trung tá Hoàng Anh, Thuyền trưởng tàu 016-Quang Trung cho biết: "Những buổi diễn tập phối hợp hiệp đồng đã giúp cán bộ, thủy thủ tàu nâng cao trình độ, khả năng tác chiến và sẵn sàng chiến đấu cao. Hiện nay cán bộ chiến sĩ trên tàu yên tâm công tác, tin tưởng vào vũ khí trang bị mới, hiện đại của con tàu đang có, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi quân đội giao. Đến giờ chúng tôi khẳng định, tàu 016 Quang Trung sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì mà quân đội giao cho chúng tôi".

Duyệt đội ngũ trong lễ chào cờ trên đảo Song Tử Tây.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ then chốt là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, các cán bộ chiến sĩ hải quân và các lực lượng thực thi pháp luật khác trên biển như Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ đội biên phòng... trở thành điểm tựa tin cậy cho nhân dân yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế; xây dựng thế “trận lòng dân” trên biển, đảo.Trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, Hải quân là lực lượng nòng cốt, được ưu tiên xây dựng tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, với nhiều loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại. Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định: Đảng bộ, Bộ Tư lệnh Quân chủng xác định xây dựng Quân chủng hiện đại, tập trung vào 2 nội dung đó là con người và vũ khí trang bị, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “người trước súng sau”. Trong bất luận hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bờ ấm thì biển yên

Nhân dân ta từ lâu đã đúc kết: “trong ấm, ngoài êm”. Vậy nên, trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, “biển yên” thì “bờ ấm”, có bảo vệ được bình yên biển, đảo thì trong nước mới ổn định, phát triển. Ngược lại, “trong bờ có ấm, ngoài biển mới yên”, đất nước có ổn định, phát triển mới tạo ra thế và lực để bảo vệ biển, đảo.

Biên đội tàu thuộc Vùng 3 Hải quân.

Vì thế, để có hòa bình, ổn định thực sự trên biển, đảo, không còn một sự lựa chọn nào khác cho dân tộc Việt Nam là phải phấn đấu vươn lên trở thành một quốc gia mạnh về biển, và có đủ nội lực cần thiết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Mỗi người dân phải luôn sẵn sàng đóng góp sức người, sức của vì sự ổn định, hòa bình của đất nước. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Việt Nam chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ một kẻ thù nào, nhân dân chính là những đội ngũ trùng điệp, những người lính mặc thường phục. Khi nước nhà nguy biến thì toàn dân thành một khối trong sự thống nhất về mặt lý tưởng, tình cảm thì đất nước chúng ta mới trở thành một đất nước hùng mạnh, mới có đủ sức để đương đầu với bất cứ kẻ thù nào”. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến Lược và Khoa học, Bộ Công An cho rằng: Chúng ta đã huy động được sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Chúng ta cần tạo ra sự đồng thuận của hơn 100 triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước. Phát triển kinh tế, phải mở rộng quan hệ đa phương làm ăn với nhiều nước để phấn đấu làm sao mà tự lập, độc lập thực sự về kinh tế.

Tàu 016 Quang Trung huấn luyện trên biển.

Bài học về biển, đảo đất nước của học sinh Trường Trung học cơ sở Thổ Châu trên xã đảo Thổ Châu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang lẫn trong tiếng sóng biển rì rào. Tình yêu với biển đảo, với đất nước được gieo vào lòng các em nhỏ qua những bài học, lời giảng của thầy cô mỗi ngày. Cô giáo Dương Thị Thu Thanh tình nguyện ra đảo công tác cũng bởi điều này, không chỉ mang đến cho các em con chữ mà hơn thế, là dạy cho các em tình yêu biển đảo, tâm thức về chủ quyền đất nước.

Mỗi người dân trong nước, mỗi kiều bào ta ở nước ngoài đều tâm nguyện chung tay, lan tỏa mạnh mẽ hơn tình yêu biển đảo, trở thành những sứ giả tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Việt Nam cho toàn thể nhân dân trên thế giới.

Lời thề giữ biển luôn sắt son trong tim mỗi người lính biển và mỗi con dân đất Việt, dù bất luận hoàn cảnh nào cũng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc biên cương, bờ cõi của Tổ quốc./.

Theo Thu Lan -Hà Phương - Hương Lan/ VOV1

Tệp đính kèm