Sáng 28/9, thế giới đã ghi nhận hơn 33,2 triệu ca mắc, trong đó có 1.001.970 ca tử vong do Covid-19.
Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 6h sáng ngày 28/9, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 33.290.400 trường hợp, trong đó có 1.001.970 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 24.608.817 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bác sĩ trong khu vực điều trị Covid-19 tại bệnh viện ở Liege, Belgium, hồi giữa tháng 6. Ảnh: Reuters.
Danh sách 5 quốc gia đứng đầu bảng thống kê dịch bệnh Covid-19 gồm Mỹ , Ấn Độ, Brazil, Nga và Colombia.
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 31.888 ca mắc vào hôm qua (27/9) nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 7.319.449. Số ca tử vong ở Mỹ do virus SARS-CoV-2 đã lên tới 209.446. Bốn bang ở vùng Trung Tây nước Mỹ gồm Minnesota, Montana và Nam Dakota đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong một ngày tăng vọt. Nhiều chuyên gia y tế cảnh báo Mỹ đang bước vào một mùa Thu Đông "rất nguy hiểm" và con số tử vong xcos thể lên đên 3.000 người mỗi ngày vào tháng 12. Ở Mỹ, kết quả một nghiên cứu mới trên hàng chục nghìn mẫu máu cho thấy gần 1/10 người dân nước này có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Dịch bệnh hiện đang hoành hành dữ dội nhất ở Mỹ Latinh. Nhiều nhà lãnh đạo tại Mỹ Latinh đang nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch đối với kinh tế. Nhiều quốc gia đã phải chứng kiến sự suy thoái tài chính lớn chưa từng có. Hiện có nhiều nước Mỹ Latinh đang nằm trong top 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Mỹ Latinh, và là ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 14.194 ca mắc và 300 ca tử vong, nâng tổng số lên 4.732.309 ca bệnh và 141.741 ca tử vong. Tiếp đến là Colombia ghi nhận 813.056 ca mắc và 25.488 ca tử vong. Peru có 813.142 ca mắc và 32.142 ca tử vong. Mexico ghi nhận 726.431 ca mắc và 76.243 ca tử vong.
Nam Phi ghi nhận thêm 1.268 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên đến 670.766 trong đó có 16.398 ca tử vong.
Nga ghi nhận thêm 7.867 ca mắc và 99 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 1.151.438 trường hợp, trong đó 20.324 trường hợp tử vong, đứng thứ 4 thế giới. Riêng thủ đô Moscow phát hiện 2.016 ca bệnh mới trong ngày qua, đánh dấu lần đầu tiên kể từ ngày 2/6 khu vực này ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày.
Tại châu Âu, trong bối cảnh số ca mắc gia tăng, Giám đốc WHO phụ trách châu Âu cho biết, cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong tháng 10 và tháng 11.
Tây Ban Nha tiếp tục bùng phát làn sóng Covid-19 mới. Nước này ghi nhận tổng số 735.198 ca mắc, trong đó có 31.232 ca tử vong. Tây Ban Nha hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu, hiện đang đứng thứ 7 về số ca mắc.
Pháp ghi nhận thêm 11.123 ca mắc mới và 27 ca tử vong, nâng số ca mắc lên thành 538.569, trong đó có 31.727 ca tử vong.
Anh ghi nhận 5.693 ca mắc mới và 17ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên thành 434.969 và tổng số ca tử vong là 41.988. Theo chính phủ Anh, các biện pháp hạn chế có thể kéo dài 6 tháng.
Tổng số ca mắc Covid-19 tại Iran, ổ dịch lớn nhất Trung Đông, hiện tại là 446.448 sau khi ghi nhận thêm 3.362 trường hợp trong 24h qua. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 25.589 trường hợp.
Israel ghi 231.026 ca mắc, trong đó có 1.466 ca tử vong. Bộ Y tế Israel ban bố tình trạng khẩn cấp đối với tất cả bệnh viện tại nước này sau khi số ca mắc Covid-19 tăng bất thường.
Châu Á cũng đang chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca mắc Covid-19, tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng. Ổ dịch lớn nhất châu Á, Ấn Độ, ghi nhận thêm 82.767 ca mắc và 1.040 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ là hơn 6 triệu trường hợp, trong đó có 95.574 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 trên thế giới về số ca mắc nhưng lại ghi nhận số ca mắc tính theo ngày cao nhất trên thế giới do quốc gia này có mật độ dân số cao, song cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe còn hạn chế.
Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 85.351 ca mắc, trong đó có 4.634 ca tử vong. Một cơ quan dẫn đầu về phòng chống các bệnh truyền nhiễm tại Trung Quốc cho biết, nước này chưa thể mở cửa lại hoàn toàn các khu vực biên giới khi tỷ lệ tử vong toàn cầu vẫn ở mức cao và vẫn có nguy cư bùng phát làn sóng Covid-19 tiếp theo. Ông Zhang Wenhong, giám đốc khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Huashan, Thượng Hải, cho biết, các đợt bùng phát khác có thể xảy ra bất cứ lúc nào và với tỷ lệ tử vong từ 3 đến 4% ở hầu hết các quốc gia, sẽ là bất hợp lý nếu loại bỏ các hạn chế đi lại.
Khu vực Đông Nam Á, Philippines hiện là một trong những điểm nóng dịch bệnh với tổng số ca mắc lên tới 304.226 ca sau khi ghi nhận 5.344 ca mắc mới, buộc chính quyền tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực. Indonesia đứng thứ 2 với 275.213 ca mắc và 10.386 ca tử vong./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN