Cập nhật: 09/10/2020 10:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Viêm tai xương chũm có thể gặp ở mọi đối tượng, tuy nhiên đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất là những người có sức đề kháng kém, trẻ nhỏ,... Nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

40 con giòi làm ổ trong tai

Vừa qua, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam đã gắp 40 con giòi ra khỏi tai cho anh H.V.L. (51 tuổi, ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Bị viêm xương chũm nhưng không điều trị, người đàn ông bị hoại tử tai.

Trước đó, anh L. nhập viện trong tình trạng đau tai dữ dội, chảy mủ đục có mùi hôi. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã gắp ra được 10 con giòi trong tai bệnh nhân. Bệnh nhân được chụp thêm CT xương chũm và làm các xét nghiệm cần thiết. Sau đó, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật tiệt căn xương chũm - một kỹ thuật nhằm tạo nên hốc mổ thông thương xương chũm. Khi đang tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ lại phát hiện phần xương chũm bị ăn mòn toàn bộ tạo thành một hốc rỗng, bộc lộ màng não và đã lấy ra thêm khoảng 30 con giòi.

Theo các bác sĩ, trường hợp bệnh nhân bị hoại tử tai do giòi rất hiếm gặp. Bệnh xảy ra do viêm tai xương chũm nhưng không điều trị dẫn đến viêm tai xương chũm hoại tử xương, gây biến chứng viêm màng não, áp-xe não, tổn thương dây thần kinh số 7, viêm tĩnh mạch bên, sinh giòi trong tai. Hiện bệnh nhân vẫn đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Khoa Tai mũi họng.

Viêm tai xương chũm thường gặp ở những trẻ có thể trạng suy yếu.

Nguyên nhân do đâu?

Viêm tai xương chũm thực chất là viêm tai giữa vì xương chũm là một bộ phận của tai giữa (tai giữa bao gồm hòm nhĩ - vòi tai và xương chũm). Khi vi khuẩn tấn công qua lớp niêm mạc hòm tai và các thông bào xương chũm, bệnh diễn biến thành viêm xương chũm hoặc với một số trường hợp, do độc tố của vi khuẩn quá mạnh hoặc ở trẻ suy dinh dưỡng, quá trình viêm không ở tai giữa mà tiến thẳng vào xương chũm. Trong thời đại kháng sinh phát triển, bệnh viêm tai xương chũm và biến chứng của nó ít gặp so với thập niên 70-80, chỉ chiếm khoảng 0,1% các cấp cứu tai mũi họng.

Viêm tai xương chũm là bệnh lý hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tích tổn thương tìm thấy ở xương chủ yếu là viêm loãng xương và viêm tắc mạch máu xương làm các vách ngăn giữa các tế bào xương bị phá vỡ dần, các ổ mủ tập trung lại thành túi mủ, đôi khi có những khối xương mục. Lớp vỏ ngoài của xương có thể bị thủng và mủ chảy ra ngoài ngay dưới da hoặc có thể đổ vào nội sọ gây những biến chứng nguy hiểm.

Cách phát hiện sớm

Biểu hiện điển hình hay gặp trên lâm sàng là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đang được chẩn đoán là viêm mũi họng và viêm tai, đang có tiến triển giảm dần đột nhiên sốt cao tăng trở lại, có thể có triệu chứng màng não như nôn, co giật, cứng gáy. Tại tai, mủ trở nên đặc và nhiều thêm, đau tai tăng, lan xuống cổ và nửa bên đầu. Nghe kém dần. Màng nhĩ đỏ trở lại. Da trên bề mặt xương chũm sưng, đỏ, ấn đau. Viêm tai xương chũm cấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng hoặc trở thành viêm tai xương chũm mạn tính.

Một số biến chứng

Một trong các mối nguy hiểm của viêm tai xương chũm mạn tính là viêm tai xương chũm hồi viêm. Đây là đợt cấp của viêm tai xương chũm mạn tính, tuy nhiên, loại này ẩn chứa những biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh (viêm màng não, áp-xe não, viêm tĩnh mạch bên...) nên được xếp vào loại viêm tai nguy hiểm, đây là một trong những cấp cứu của chuyên khoa tai mũi họng. Xương chũm hay bị viêm và gây biến chứng là xương chũm có một chất gọi là cholesteatoma hoặc xương chũm có cấu tạo quá thông bào. Cholesteatoma là một khối có khả năng ăn mòn xương, chiếm 70% các nguyên nhân gây biến chứng nội sọ... Vi khuẩn gây bệnh viêm xương chũm hay gặp là tụ cầu. Viêm xương chũm thường gặp ở những trẻ bị thể trạng suy yếu như sau các nhiễm khuẩn lây truyền như sởi, sốt xuất huyết, quai bị, bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS.

Lời khuyên của thầy thuốc

Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm nếu không được xử trí đúng sẽ đưa đến viêm tai xương chũm xuất ngoại và các biến chứng. Vì vậy, việc cơ bản là phát hiện sớm và điều trị đúng: trên bệnh nhân chảy mủ tai xuất hiện sốt, đau tai, nhức đầu, cần khám và xác định xem có viêm xương chũm hay không? Phẫu thuật chữa viêm hoặc biến chứng (nếu có) và điều trị nội khoa sau phẫu thuật.

Điều trị nội khoa: Dùng kháng sinh, thuốc chống viêm, hạ sốt, giảm đau. Tránh để biến chứng viêm tai và điều trị triệt để, đúng phác đồ bệnh lý tai khi đã bị viêm.  

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm