Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi năng lực nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phải được nâng cao để đáp ứng yêu cầu này.
Trước yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, phát triển giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thành phố Hà Nội.
Đầu tư tâm huyết cho một tiết giảng tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thành phố Hà Nội vừa diễn ra tuần vừa qua, thầy Nguyễn Minh Tân, giảng viên bộ môn kiến trúc trường Trung cấp nghề Xây dựng Hà Nội cho biết, bài giảng được đổi mới với 30% lý thuyết và 70% thực hành tích hợp trong 60 phút. Để chuẩn bị cho bài giảng này, thầy Nguyễn Minh Tân mất khá nhiều thời gian chuẩn bị bởi bài giảng cần công phu, giúp học sinh nắm chắc cả phần lý thuyết và thực hành ngay trên lớp học, các em sẽ nhớ bài lâu hơn và có thể hỏi thầy giáo phần chưa hiểu.
Bài giảng tích hợp là phương pháp giảng dạy mới nhất tại các trường nghề, thầy cô giáo sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng bù lại, học sinh, sinh viên và giáo viên được tương tác nhiều hơn, tạo không khí sôi nổi ngay trên lớp học.
“Tiết giảng như vậy giúp học sinh nắm bài tốt hơn, thực hành tốt hơn vì những gì trong phần lý thuyết thì thực hành được luôn, như thế rất là hay. Trước đây 2 giờ giảng thì một buổi học lý thuyết, một buổi học thực hành, khi đó kiến thức thầy dạy nhiều quá các em học sinh chưa kịp hấp thụ đã quên rồi, nhưng nếu giảng bằng bài giảng tích hợp này, lý thuyết đến đâu thực hành luôn đến đó. Trong bài giảng tích hợp thì bắt buộc người giáo viên phải sáng tạo hơn, phải khớp được giữa lý thuyết và thực hành. Sự sáng tạo là cái mà chúng ta phải biết ngắt phần lý thuyết ở đâu để cho phù hợp với bài giảng”, thầy Minh Tân chia sẻ.
Tại hội giảng, các nhà giáo của nhiều trường nghề rất tự tin phô diễn kỹ năng của mình. Với việc làm chủ công nghệ, các bài trình giảng tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, trong đó lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm. Đây là mô hình được các giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hiện trong vài năm trở lại đây, giúp cho học sinh, sinh viên học lý thuyết xong được thực hành ngay. Không chỉ thế, giáo viên phải biết làm chủ công nghệ để ứng dụng trong từng bài giảng của mình.
Học viên thể hiện kỹ năng với nghề cơ điện tử.
Cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Hưng, giảng viên Khoa Chăm sóc sắc đẹp, trường nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: “Một giáo viên không chỉ có trình độ mà phải thường xuyên nâng cao tay nghề của mình cũng như học hỏi thêm những kiến thức mới và cập nhật những công nghệ mới để làm sao có thể truyền tải được cho sinh viên một cách tốt nhất. Không những cập nhật công nghệ kỹ thuật mà còn phải theo nhu cầu thực tế, nên phải bắt kịp thời đại ở xu hướng như thế”.
Để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ cho giáo viên. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên được đi thực tế các doanh nghiệp có dây truyền sản xuất hiện đại, cập nhật kiến thức thực tế để đưa vào bài giảng một cách linh hoạt giúp học sinh, sinh viên trong nhà trường luôn tiếp nhận được kiến thức mới nhất bằng cả lý thuyết và thực hành. Một số trường nghề chất lượng cao còn đưa giáo viên đi tập huấn, học hỏi tại nước ngoài, tiếp nhận những giáo trình giảng dạy và thiết bị học tập hiện đại nhất giảng dạy cho sinh viên.
Ông Ngô Thế Quân Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội cho rằng: “Trang thiết bị hiện đại là yếu tố rất tốt để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp hiện nay cũng như đòi hỏi của khoa học tiến bộ. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng phải liên tục cập nhật kiến thức. Có thể cập nhật trong nước, nước ngoài và thường xuyên đến các doanh nghiệp để nâng cao trình độ giáo viên. Đào tạo chất lượng cao phải có sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp và hiệu quả rất cao, học sinh ra trường có thể tiếp cận tốt với máy móc hiện đại của doanh nghiệp hiện nay đang sử dụng. Chính vì vậy, học sinh, sinh viên của nhà trường được các doanh nghiệp đánh giá rất cao”.
Đổi mới phương pháp đào tạo gắn chặt lý thuyết với thực tiễn là điều kiện bắt buộc các trường nghề phải áp dụng trong giảng dạy. Các nhà giáo phải hội nhập sâu vào sự phát triển của khu vực, thế giới để ứng dụng khoa học công nghệ trên bài giảng. Kiến thức sư phạm cũng phải nâng lên tầm mới để thu hút và hỗ trợ học sinh, sinh viên trong quá trình học, tạo ra hứng thú say mê, kích thích các em tư duy sáng tạo... Tuy nhiên, tại không ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chất lượng giảng dạy chưa tốt, chậm đổi mới nên không thu hút được người học.
Học nghề đang là hướng đi và lựa chọn thiết thực của nhiều bạn trẻ.
Nhiều trường nghề vẫn giữ mô hình đào tạo thiên về lý thuyết, ít thực hành; sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Quá trình triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp còn chậm và nhiều lúng túng.
Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định, thực tế cho thấy sinh viên trường nghề được đào tạo bài bản không đủ số lượng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì các trường nghề phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên. Trong thời gian tới, các trường nghề chất lượng cao của Hà Nội tiếp tục triển khai thí điểm các bộ giáo trình chuyển giao từ Đức; mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế... Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sắp xếp và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo đúng lộ trình; sáp nhập, giải thể những cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch ngành, nghề trọng điểm, trường chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Bà Nguyễn Thanh Nhàn cho biết: “Các nhà giáo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp hầu hết đạt chuẩn về chuyên môn, kỹ năng nghề. Tuy nhiên, để nắm bắt khoa học công nghệ mới thì bản thân nhà giáo phải đổi mới rất nhiều để hỗ trợ cho các bài giảng. Do vậy, kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo phải được thực hiện hàng năm và đào tạo không chỉ là lý thuyết mà phải gắn với thực hành trong các doanh nghiệp. Bản thân nhà trường cũng phải dành được nguồn quỹ thỏa đáng để kịp thời bổ sung trang thiết bị để bổ trợ chất lượng bài giảng”.
Nâng cao chất lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp chính là tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế./.
Theo Kim Thanh/VOV1 - Ngày 16/11/2020