Các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất lớn về tâm linh và đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các địa phương. Theo thời gian, không ít các công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được bảo vệ. Theo nguyện vọng của Nhân dân, mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, thống kê, xây dựng kế hoạch và đề xuất giải pháp tu bổ, tôn tạo nhằm bảo vệ nét văn hóa đặc trưng cho thế hệ mai sau.
Chùa Tích Sơn được công nhận Di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia năm 1992. Chùa được xây dựng cuối thời Lý, đầu thời nhà Trần, cuối thề kỷ XII, đầu thế kỷ XIII. Trải qua thăng trầm của lịch sử, đến nay, ngôi Tam Bảo của chùa đã xuống cấp. Các hàng chân cột đã bị mối mọt, có cột nối hai, ba khúc bằng gỗ, hoặc bê tông. Mái chùa võng, dột phải phủ bạt bên trên, nền lún bằng sân, mỗi khi trời mưa to nước tràn từ bên ngoài tràn vào gây hư hại cho các đồ vật trong chùa.
Theo Luật Di sản văn hoá, các di tích được xếp hạng cấp nào thì do cấp đấy ra quyết định trùng tu, tôn tạo. Chính vì vậy, nhà chùa chỉ có các giải pháp tạm thời, tình thế trong việc kéo dài sự xuống cấp của di tích.
Theo rà soát của ngành văn hoá, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 2 nghìn di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh đang trong tình trạng xuống cấp cần được trùng tu, tôn tạo. Để bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 71/2019 quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2019 - 2025. Cụ thể đối với di tích quốc gia đặc biệt: Ngân sách Nhà nước đầu tư 100% kinh phí theo dự án được duyệt. Đối với di tích quốc gia: Ngân sách Nhà nước đầu tư 100% kinh phí đối với các hạng mục kiến trúc gốc các hạng mục kiến trúc chính của di tích. Đối với di tích cấp tỉnh: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí tu bổ đối với hạng mục kiến trúc gốc của di tích. Ngân sách cấp huyện hỗ trợ 10% kinh phí tu bổ đối với hạng mục kiến trúc gốc của di tích.
Trước sự cần thiết trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh. Mới đây, đồng chí Vũ Việt Văn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi khảo sát thực tế các di tích xuống cấp để cho ý kiến, phê duyệt chủ trương đầu tư, trùng tu, tôn tạo các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Đồng chí yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các sở, ngành liên quan, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh cần sớm hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý để tiến hành tu bổ, tôn tạo và phục dựng lại các di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân; đồng thời, phải đảm bảo các yêu cầu của Luật Di sản văn hóa, Luật xây dựng và các quy định hiện hành có liên quan; đáp ứng yếu tố về mỹ thuật, kỹ thuật, kiến trúc, cảnh quan, phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Việt Văn đề nghị các địa phương huy động nguồn lực xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Toàn