Trong một tài liệu đánh giá của NATO, Trung Quốc được khắc họa là một mối đe dọa quân sự tiềm năng không chỉ với Mỹ mà còn với châu Âu.
Bất chấp nhiều lần Trung Quốc khẳng định sẽ trỗi dậy hòa bình thành một siêu cường toàn cầu, báo cáo của NATO khẳng định trọng tâm trong 10 năm tới của NATO sẽ là "gia tăng khả năng dự đoán và phản ứng với các hoạt động làm suy yếu an ninh đồng minh từ phía Trung Quốc”.
Trụ sở NATO ở Brussels. Ảnh: Reuters
Trong khi Nga vẫn là mối đe dọa hàng đầu của NATO thì báo cáo trên cho rằng liên minh này "vẫn cởi mở với việc thảo luận cùng tồn tại hòa bình" với Moscow, đồng thời thống nhất trong nỗ lực phản ứng với các động thái của kẻ thù.
Tuy nhiên, với Trung Quốc, báo cáo này thể hiện lập trường cứng rắn hơn nhiều khi đặt câu hỏi về việc Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng vũ lực với các nước láng giềng cũng như tốc độ hiện đại hóa quân đội của quốc gia này. NATO cũng kêu gọi hợp tác với Ấn Độ, đối thủ về quân sự của Trung Quốc ở Nam Á.
"Về dài hạn, Trung Quốc đang hướng tới việc trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu, trong đó có cả khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Nếu các đồng minh bị Trung Quốc đe dọa, NATO phải thể hiện khả năng là một nhân tố hiệu quả bảo vệ các đồng minh của mình", báo cáo trên cho hay.
Tài liệu này cũng khẳng định NATO "phải dành nhiều thời gian, nguồn lực chính trị và hành động để đối phó với các thách thức an ninh từ phía Trung Quốc", đồng thời "cần phải nâng cao năng lực để hợp tác chiến lược và bảo vệ an ninh của các đồng minh".
Với việc khắc họa Trung Quốc là một nhân tố gây ảnh hưởng tiềm tàng đến những diễn biến ở châu Âu, báo cáo của nhóm 10 nhà nghiên cứu độc lập do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bổ nhiệm đã cho thấy Trung Quốc là mối đe dọa không chỉ với Mỹ mà còn với các nước thành viên châu Âu, các quốc gia vốn lo ngại sẽ bị kéo vào sự đối đầu về quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các tác giả của báo cáo trên cũng cho rằng, NATO phải mở rộng những nỗ lực đánh giá về việc Trung Quốc phát triển công nghệ, đồng thời giám sát và phòng vệ trước bất kỳ hành động nào của Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến an ninh tập thể và khả năng sẵn sàng chiến đấu của châu Âu.
Mặc dù so với Nga, Trung Quốc gây ra "một kiểu thách thức khác" nhưng báo cáo trên khẳng định Trung Quốc "đã cho thấy nước này sẵn sàng sử dụng vũ lực để chống lại các nước láng giềng, cũng như cưỡng ép kinh tế và đe dọa về ngoại giao ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Australia, quốc gia mà Trung Quốc đe dọa sẽ áp đặt các hạn chế thương mại sau những tranh cãi ngoại giao, là một trong những đối tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương mà báo cáo trên đề xuất NATO cần "tham vấn sâu sắc và tăng cường hợp tác". Ngoài ra còn có các quốc gia khác như Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
"Trung Quốc cần được cân nhắc tham gia vào quá trình đàm phán kiểm soát vũ trang trong tương lai, đặc biệt là về vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. NATO nên khuyến khích Trung Quốc tham gia vào việc kiểm soát vũ trang có thể xác minh được, nhằm làm giảm nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ trang ở trong và ngoài châu Á".
"Mặc dù Trung Quốc chưa gây ra mối đe dọa quân sự ngay lập tức với khu vực châu Âu - Đại Tây Dương như so với Nga nhưng nước này đã mở rộng lực lượng quân đội ở Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Bắc Băng Dương, tăng cường quan hệ quốc phòng với Nga, phát triển các chiến đấu cơ và tên lửa tầm xa, tàu sân bay cũng như các tàu ngầm tấn công hạt nhân có khả năng tiếp cận trên toàn cầu, mở rộng năng lực trong không gian và phát triển kho vũ khí hạt nhân lớn hơn”, tài liệu trên đánh giá.
Dù vậy, báo cáo của NATO cũng khẳng định liên minh này nên mở rộng "khả năng đối thoại mang tính xây dựng" với Trung Quốc trong những vấn đề mà 2 bên có lợi ích chung cũng như tiếp tục xác định cơ hội và triển vọng để đối phó với các thách thức toàn cầu./.
Theo Kiều Anh/VOV.VN- Ngày 2/12/2020