Đến sáng 12/12, thế giới có tổng số 71.400.682 ca nhiễm và 1.600.215 ca tử vong vì dịch COVID-19. Chỉ trong một ngày qua, có tới 683.451 ca nhiễm mới và 12.147 ca tử vong. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Số lượng người mắc và tử vong do COVID-19 vẫn tiếp tục tăng cao (Ảnh: AFP)
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 12/12, đã có 49.585.713 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 20.214.754 ca bệnh đang điều trị, có 20.108.188 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 105.566 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã hoành hành tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 230.828 ca nhiễm, Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (52.770 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (32.106 ca). Cùng với đó, Mỹ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong 1 ngày qua với 2.935 ca, sau đó là Italy (761 ca) và Brazil (652 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu tiếp tục gia tăng rất nhanh, khiến châu lục này vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, với tổng số 19.458.976 ca, trong đó có 449.999 ca tử vong và 8.995.486 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 223.294 ca nhiễm và 5.449 ca tử vong mới vì COVID-19. Nga, Pháp và Anh là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 2.597.711; 2.351.372 và 1.809.455 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 63.506 ca, sau khi có thêm 424 ca trong 24 giờ qua.
Với 18.870.898 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 12/12, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 309.323 ca đã tử vong do COVID-19 và 16.635.730 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 9.826.031; 1.780.673 và 1.092.407 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 142.618; 15.977 và 51.727 ca.
Bắc Mỹ tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới khi 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 255.323 ca nhiễm COVID-19 và 3.831 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 18.806,330 và 445.937 ca. Với 16.279.756 ca nhiễm và 302.673 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 1.217.126 và 448.841 ca nhiễm, cùng 112.326 và 13.251 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 72.750 ca nhiễm và 1.045 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 11.858.977 ca và 338.172 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 52.770 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 6.836.313 vào thời điểm hiện tại. Với 652 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 185 ca tử vong mới, và Argentina với 175 ca tử vong mới do COVID-19..
Tính đến sáng 12/12, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 2.358.232 ca, trong đó có 55.735 ca tử vong và 2.003.688 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 845.083 ca nhiễm và 22.952 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 8.319 ca nhiễm mới và 205 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Ai Cập, với tổng số lần lượt 394.564 và 120.611 ca nhiễm bệnh cùng 6.542 và 6.877 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 46.548 ca nhiễm (tăng 134 ca) và 1.034 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 11 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.011 ca, trong đó 908 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân trên toàn thế giới, nhất là những nước nghèo, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 11/12, tuyên bố gần 1 tỷ liều vaccine tiềm năng phòng COVID-19 đã được bảo đảm theo chương trình COVAX nhằm cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết 189 quốc gia đã tham gia chương trình COVAX.
Cùng ngày, nhà khoa học hàng đầu của WHO Soumya Swaminathan cũng cho hay WHO dự kiến trong những tuần tới sẽ đưa ra các quyết định liệu có cấp phép cho sử dụng khẩn cấp đối với các loại vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca. Theo bà Soumya Swaminathan, WHO có thể đưa ra quyết định đối với vaccine của hãng Pfizer trong "một vài tuần tới", ngoài ra cơ quan y tế toàn cầu này cũng có thể xem xét vaccine của Moderna và AstraZeneca trong vài tuần./.
Theo Khánh Linh/dangcongsan.vn - Ngày 12/12/2020