Trong những năm gần đây, số trẻ đến tuổi ra lớp tăng cao, trong khi đó số lượng giáo viên Mầm non trong biên chế thì thiếu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, điều này đã gây không ít khó khăn, cũng như áp lực cho đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ. Để giải quyết triệt để tình trạng này, ngoài việc chủ động bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý ở các nhà trường, ngành giáo dục cần tiếp tục có những giải pháp bảo đảm ổn định số lượng giáo viên ở bậc Mầm non.
Đã gắn bó hàng chục năm với Trường Mầm non Sơn Đông, huyện Lập Thạch, cô giáo Đặng Thị Thu Hà, đã quen với việc hằng ngày phải có mặt ở trường từ 6 giờ 30' sáng và kết thúc công việc cũng là lúc trời đã nhá nhem tối. Được giao phụ trách lớp 3 tuổi của nhà trường, một mình phải chăm lo mọi việc cho 30 học sinh từ sáng cho đến chiều mới thấy được những vất vả, căng thẳng của mỗi ngày đến lớp.
Thực tế cho thấy, việc thiếu giáo viên đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo đảm an toàn cho trẻ tại các cơ sở GDMN. Đồng thời, môi trường làm việc đòi hỏi khắt khe về giờ giấc, cách thức sinh hoạt cũng đã tạo ra rất nhiều áp lực cho giáo viên. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng chính sách đãi ngộ đối với giáo viên Mầm non dường như vẫn chưa tương xứng, do đó muốn gắn bó ở môi trường này, ngoài vấn đề lựa chọn nghề nghiệp, thì đối với các cô giáo chỉ vì tình yêu thương trẻ và trách nhiệm với thế hệ tương lai của đất nước.
Những năm gần đây, số trẻ Mầm non đến tuổi ra lớp ở tất cả các địa phương trong tỉnh liên tục tăng, đồng nghĩa phải gia tăng lớp học, nhu cầu bổ sung giáo viên cũng theo đó tăng lên. Theo quy định cần có tối đa 2,5 giáo viên/lớp nhà trẻ và 2,2 giáo viên/lớp mẫu giáo, thì hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa thể đáp ứng. Đặc biệt, trong năm học 2020-2021, tỉnh cũng đã cho tuyển dụng thêm giáo viên Mầm non để bổ sung cho các nhà trường; tuy nhiên, hiện nay nhiều trường vẫn chưa thể đảm bảo theo quy định.
Việc để thiếu giáo viên Mầm non kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Do đó, cùng với việc tăng cường tuyển dụng, bổ sung cho các cơ sở còn thiếu giáo viên, ngành GD&ĐT cần sớm có kế hoạch chiến lược đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường làm việc và cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa cho bậc học mầm non, cũng như có chế độ đãi ngộ cho giáo viên Mầm non nhất để họ yên tâm công tác./.
Trường Giang