Cập nhật: 29/01/2021 08:16:00
Xem cỡ chữ

Trong nhiệm kỳ XII đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương và hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, cả đương chức và nguyên chức. Con số này so với nhiệm kỳ XI tăng gấp 10 lần.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII diễn ra từ ngày 21 đến ngày 28/1/2016 tại Thủ đô Hà Nội. Chủ đề của Đại hội, đầu tiên là thành tố “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, rồi mới tới “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đại hội XII của Đảng đã gần kết thúc với nhiều dấu ấn nổi bật trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

Đại hội XII của Đảng đã gần kết thúc với nhiều dấu ấn nổi bật trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực

Đại hội XII của Đảng xác định rõ yêu cầu: Kiên quyết, kiên trì và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức bên cạnh các nội dung chính trị, tư tưởng, tổ chức; đồng thời bổ sung hai nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng là đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và đổi mới, tăng cường công tác Dân vận của Đảng; chú trọng công tác tổng kết thực tiễn; nhấn mạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thực tế, trong nhiệm kỳ qua, công tác này đã được triển khai với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được nhiều kết quả rõ rệt, nhất là về đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. 9.389 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 16.000 bị can. Đó là những con số ấn tượng về công tác phòng chống tham nhũng đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm được coi là “nhạy cảm” đã được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, với các mức án nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn…

Nếu như ở nhiệm kỳ Đại hội XI, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ xử lý 11 trường hợp cán bộ diện Trung ương quản lý, không có trường hợp nào là Ủy viên Trung ương Đảng thì trong nhiệm kỳ XII đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương và hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, cả đương chức và nguyên chức. Con số này so với nhiệm kỳ XI tăng gấp 10 lần.

Ông Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ảnh: thainguyentv)

Ông Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ảnh: thainguyentv)

Ông Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Con số này nói lên quyết tâm chính trị, sự nỗ lực cố gắng quyết liệt của tổ chức Đảng, cũng như Ủy ban Kiểm tra các cấp trong công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng với sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ đảng viên. Con số này cũng nói lên công tác phòng chống tham nhũng, kiểm tra, xử lý kỷ luật Đảng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Đảng ta hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật cho nên mọi cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp đều bình đẳng trước pháp luật”.

Việc xử lý kỷ luật chính xác, nghiêm minh đã tạo niềm tin trong nhân dân về Đảng “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Kết quả điều tra của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy 93% cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, trong đó rất tin tưởng chiếm tỷ lệ 54%.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Hội cựu chiến binh thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng bày tỏ: “Theo tôi, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua làm quyết liệt và rất hiệu quả. Nhân dân cả nước rất tin tưởng. Bản thân tôi rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhất là những việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang làm”.

Còn ông Lê Quốc Lý ở quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Tham nhũng phá hoại kinh tế, chính trị, xã hội; xói mòn sự vững mạnh của Đảng, niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Bởi mục đích đầu tiên và cuối cùng của Đảng là vì dân. Vì thế, tất cả hành động không vì dân cần phải loại bỏ, trong đó có hành vi tham nhũng. Theo tôi phải cương quyết, không dung túng được”.

Việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có đã được quan tâm thích đáng, quyết liệt, khắc phục những điểm yếu trong công tác này. Riêng các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản hơn 35.000 tỷ đồng. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm được xác định rõ. Từ năm 2013 đến nay đã có 952 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng, tiêu cực địa phương mình quản lý, phụ trách.

Ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: phải đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng.

“Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống tham nhũng, nơi nào để xảy ra tham nhũng thì chắc chắn người đứng đầu địa phương phải bị xử lý. Đó chính là tính nêu gương, đẩy trách nhiệm của người dứng đầu lên. Ở nơi nào người đứng đầu gương mẫu, thì chắc chắn công cuộc phòng chống tham nhũng nơi đó sẽ tốt hơn. Qua thực tế kiểm tra tại địa phương chúng tôi đã nhận thấy điều đó”, ông Đạt cho biết.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho rằng: phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài. Người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng nhấn mạnh, việc cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.

"Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ", ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí và bảo vệ người tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Nhiệm kỳ 5 năm qua đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Có được kết quả này là nhờ Đảng ta đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là chỉnh đốn về chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, giảm cấp trung gian, giảm thủ tục hành chính, tăng cường kiểm gia, giám sát, kỷ luật Đảng.

Đặc biệt đã làm tốt công tác cán bộ - Khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt” của xây dựng Đảng. Kết quả trong công tác Đảng góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, tạo nền tảng và niềm tin để đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Theo Lại Hoa/VOV1 – Ngày 29/1/2021

https://vov.vn/chinh-tri/dau-an-nhiem-ky-khoa-xii-kien-quyet-kien-tri-chinh-don-dang-lam-trong-sach-doi-ngu-832846.vov