Dịch cúm gia cầm H5N6 xuất hiện trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ chăn nuôi, nguy hiểm hơn, dịch cúm gia cầm còn có thể lây lan sang người. Mặc dù công tác dập dịch đã được thực hiện kịp thời, xong những hệ lụy mà dịch bệnh đem lại cho người chăn nuôi còn kéo dài. Bệnh tả lợn Châu phi đã qua đi, nhưng bài học về việc làm sao để kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hạn chế tối đa những thiệt hại do dịch bệnh gây ra và khống chế được dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi thì vẫn còn đó.
Giữa tháng 2 vừa qua, trang trại hơn 1.200 con gà đẻ trứng của gia đình anh Nguyễn Văn Hợi phải tiêu hủy hoàn toàn do bệnh cúm gia cầm chủng H5N6 gây ra. Tổn thất lên đến hàng trăm triệu đồng. Nếu có thể tái đàn, theo anh Hợi sớm nhất cũng phải cuối năm nay khi gia đình thực hiện tốt các bước khử trùng, tẩy độc mầm bệnh. Nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi của gia đình do vậy cũng bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân của đợt dịch này được xác định là do sự lơ là, chủ quan của chính các hộ chăn nuôi khi không tuân thủ quy định của ngành Thú y về tiêm phòng dịch, không thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng thường xuyên nên trong điều kiện thời tiết mưa phùn, ẩm, mầm dịch đã quay lại. Những thiệt hại trước mắt sẽ là bài học để những người chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt quy trình về phòng dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Từ tháng 01 năm 2021 đến ngày trung tuần tháng 02 năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 08 hộ chăn nuôi có gia cầm mắc bệnh cúm thuộc 07 xã trên địa bàn 07 huyện, thành phố, làm chết hơn 24.400 con gia cầm. Nguy cơ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 tiếp tục lây lan và xảy ra trên diện rộng là rất cao. Để kịp thời ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên đàn gia cầm. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện đầy đủ quy trình phòng dịch, nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhập lậu vào địa bàn để tiêu thụ, không có kiểm dịch của cơ quan chức năng.
Ngay tại những nơi xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm, chính quyền các địa phương đã kịp thời khoanh vùng dập dịch. Đến nay, đã qua 21 ngày, không có địa phương nào trên địa bàn tỉnh để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh. Chủ động ứng phó với dịch cúm gia cầm, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng dịch như tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm H5N1, H5N6, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại định kỳ là những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn kịp thời những thiệt hại do dịch cúm gia cầm gây ra./.
Hà Giang