Sốt không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng.
Các bậc cha mẹ thường rất lo lắng khi con trẻ bị sốt. Hầu hết sự lo âu thái quá của người lớn về sốt trẻ em là không hợp lý. Do đó, ngoài sốt ra, phụ huynh nên quan sát xem trẻ có những biểu hiện gì khác hay không để tìm nguyên nhân và có xu hướng xử trí phù hợp.
Một số nguyên nhân thường gây sốt ở trẻ
Sốt không do nhiễm khuẩn:
Do mọc răng: Trẻ có thể bị sốt nhẹ, quấy khóc, khó ngủ, chán ăn, chảy nước miếng.
Do tiêm phòng: Trẻ có thể bị sốt nhẹ sau khi tiêm chủng ngừa các bệnh như: thương hàn, bạch hầu, uốn ván, sởi, quai bị...
Do cảm nắng hay các chứng cảm thông thường.
Do mặc quá nhiều quần áo: Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh có thể bị sốt khi mặc quá nhiều quần áo, vì cơ thể điều nhiệt của trẻ chưa được hoàn thiện nên trẻ sẽ dễ thay đổi thân nhiệt theo môi trường bên ngoài.
Khi trẻ sốt, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để có hướng xử trí phù hợp.
Sốt do nhiễm virus - vi trùng:
Cảm cúm: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ em. Trẻ sốt 2-3 ngày, sổ mũi hay nghẹt mũi, đau họng, ho, mệt mỏi, chán ăn.
Sốt phát ban: Trẻ thường sốt cao trong 3-7 ngày, sau đó hết sốt và bắt đầu phát ban khắp người.
Sốt xuất huyết: Trẻ sốt cao liên tục trên 3 ngày và có biểu hiện xuất huyết: chấm xuất huyết da hay chảy máu mũi, chảy máu răng. Khi bệnh trở nặng, trẻ lừ đừ, vật vã, tay chân lạnh, ói ra máu, đau bụng, đại tiện phân đen.
Sởi: Trẻ sốt cao liên tục, ho nhiều, chảy nước mũi, mắt đỏ, từ ngày thứ 4 ban xuất hiện ở mặt, lan ra chân và chi.
Nhiễm trùng tiểu: Trẻ bị sốt kèm theo tiểu lắt nhắt, đau khi tiểu hoặc chỉ tiểu vài giọt, tiểu không kiểm soát. Nước tiểu đục.
Viêm phổi: Các triệu chứng thường gặp ở trẻ bị viêm phổi là sốt cao, thở nhanh, thở bất thường, khò khè, ho, nôn, chán ăn, bỏ bú, lừ đừ; khi bệnh nặng, trẻ có thể bị tím tái môi và móng tay.
Viêm tai: Trẻ có thể sốt cao, bứt rứt, bỏ ăn, ù tai, đau tai, chảy mủ tai, nghe không rõ. Nếu chưa biết nói, trẻ có thể biểu hiện bằng cách kéo tai.
Viêm màng não: Sốt kèm theo thóp phồng, cổ cứng (trẻ không cử động cổ được, không cúi đầu xuống được), nhạy cảm với ánh sáng, nôn mửa, li bì.
Cần làm gì khi trẻ bị sốt?
Khi trẻ bị sốt nhẹ: Cho trẻ mặc quần áo thoáng hoặc chỉ cần cởi bớt quần áo theo dõi thân nhiệt mỗi 4 giờ và cho trẻ uống nhiều nước.
Khi trẻ bị sốt vừa: Cởi bớt quần áo, cho trẻ mặc đồ mỏng và rộng để dễ thoát nhiệt. Cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, giảm nhiệt trong phòng. Cho trẻ uống nhiều nước và dùng thuốc hạ sốt.
Lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Sử dụng 5 khăn ướt nhỏ: 4 khăn đặt ở hai bên nách và hai bên bẹn, 1 khăn dùng để lau khắp người. Thay mỗi 2-3 phút. Ngưng lau khi nhiệt độ trẻ xuống dưới 38,5oC hoặc sau khi đã lau 30 phút. Lau khô và cho bé mặc lại đồ mỏng. Có thể tắm cho bé bằng nước ấm. Nên dùng nước ấm có nhiệt độ thấp hơn 2oC so với thân nhiệt trẻ. Không dùng nước lạnh, cồn hay dấm để lau trẻ.
Khi trẻ bị sốt cao hay sốt rất cao: Cần sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như trên để hạ sốt tạm thời và đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.
Những trường hợp nào phải đưa trẻ đi đến cơ sở y tế?
Cần cho trẻ bị sốt đi khám bác sĩ ngay nếu: Trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt. Sốt trên 40oC. Trẻ khóc không dỗ được hoặc bứt rứt nhiều. Trẻ khóc khi cử động hoặc khi cha mẹ chạm vào trẻ. Trẻ li bì, khó đánh thức, cổ cứng, có bất kỳ phát ban trên da nào. Trẻ khó thở và không thấy đỡ hơn sau khi làm sạch mũi trẻ. Trẻ không thể nuốt thức ăn hoặc bú được. Nôn mọi thứ, đại tiện máu, ói máu. Trẻ bị co giật. Trẻ trông rất yếu và mệt.
Cần cho trẻ bị sốt đi khám trong vòng 24 giờ nếu: Trẻ từ 2-4 tháng tuổi (trừ khi sốt xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiêm vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván và trẻ không có triệu chứng nặng nào khác). Sốt trên 40oC (nhất là đối với trẻ dưới 3 tuổi). Trẻ đau khi đi tiểu. Sốt kéo dài trên 24 giờ mà không có nguyên nhân rõ ràng. Hạ sốt hơn 24 giờ rồi sốt tái phát. Sốt kéo dài trên 72 giờ do bất kỳ nguyên nhân nào.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 13/3/2021
https://suckhoedoisong.vn/cac-nguyen-nhan-gay-sot-o-tre-n188040.html