Phổi của trẻ nhỏ không hoạt động hiệu quả như phổi của trẻ lớn và người trưởng thành. Vì vậy, một đợt hen nặng có thể làm suy giảm chức năng phổi nhanh chóng.
Bạn sẽ giúp con bạn tránh khỏi nguy hiểm và bảo tồn chức năng phổi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bé nếu biết cách chăm sóc đặc biệt cho trẻ.
Hen phế quản là bệnh ảnh hưởng đến đường thở và phổi khá phổ biến. Bệnh nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán và tuân thủ điều trị đúng đắn.
Bạn nên làm gì?
Tái khám định kỳ: Cha mẹ, người chăm sóc trẻ nhỏ cần tuân theo lịch hẹn tái khám định kỳ cho trẻ bị hen. Trẻ cần được bác sĩ điều trị kiểm tra đều đặn, thậm chí cả khi trẻ không có triệu chứng.
Hãy chuẩn bị sẵn sàng: Không nên chờ đến lúc cần mới học cách làm thế nào để xử trí trường hợp cấp cứu. Tốt nhất hãy học ngay khi có thể và ghi nhớ kỹ.
Theo dõi kỹ: Theo dõi trẻ thật kỹ, phát hiện những dấu hiệu cần đi khám và cấp cứu.
Những dấu hiệu này bao gồm: Nhịp thở tăng; Bỏ bú hoặc bỏ ăn; Các cơ ở các khoang liên sườn có hiện tượng co kéo; Lồng ngực trẻ phồng to ên; Thay đổi màu sắc da (mặt đỏ hoặc xanh tái, đầu ngón tay xanh tím); Cánh mũi trẻ phập phồng; Tiếng khóc bất thường- Trở nên yếu hơn và ngắn hơn; Thở rên.
Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nghĩ là con bạn đang có cơn hen.
Hành động thật nhanh: Nếu con có triệu chứng hen, hãy hành động thật nhanh. Làm theo kế hoạch hành động kiểm soát hen mà bác sĩ đã đưa ra và hướng dẫn bạn.
Hành động nên làm: Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nghĩ là con bạn đang có cơn hen; Hãy can thiệp sớm là vấn đề cốt lõi; Xử trí cơn hen ngay và tiếp tục các điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ; Viết kế hoạch hành động hen và luôn mang theo cùng con.
Khi cơn hen xảy ra
Bạn cần đảm bảo những điều sau khi cơn hen xảy ra: Đảm bảo là bạn biết sử dụng đúng thuốc cắt cơn hen cho con; Luôn mang sẵn thuốc cắt cơn hen bên cạnh con; Chỉ dùng thuốc cắt cơn hen theo chỉ định của bác sĩ kê đơn; Nếu triệu chứng không cải thiện sau khi khí dung hãy liên lạc với bác sĩ hoặc trung tâm cấp cứu.
Trong cơn hen cấp không được làm các việc dưới đây: Không cho trẻ uống một lượng dịch quá nhiều; Không để trẻ thở trong môi trường không khí ẩm và ấm; Không phủ che mặt, miệng, mũi của trẻ; Không cho trẻ dùng các loại thuốc kháng histamin và thuốc cảm cúm.
Lưu ý về thuốc kháng sinh
Có rất nhiều trẻ khi bị ho khò khè được chẩn đoán là viêm phế quản và dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, trẻ ho khò khè trong hen phế quản hầu như không cần thiết phải sử dụng kháng sinh. Hen phế quản phần lớn do yếu tố kích thích bởi dị ứng (70-80%), một số do virus, do môi trường. Do kháng sinh không có tác dụng với các yếu tố dị ứng cũng như virus, nên việc dùng kháng sinh cho trẻ hen phế quản là không cần thiết trừ khi trẻ có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn.
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 27/3/2021
https://suckhoedoisong.vn/tre-hen-phe-quan-can-duoc-cham-soc-dac-biet-n188828.html