Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể hồi phục hoàn toàn, gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở.
COPD thường được gợi ý ở những người hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, nay xuất hiện thêm ho, khạc đờm mạn tính về buổi sáng. Ngoài ra còn có các nguyên nhân: phơi nhiễm với các chất kích thích và ô nhiễm khác cũng có thể tác hại đến phổi, cũng có các tình trạng di truyền hiếm gặp, như thiếu antitrypsin, dẫn đến số lần nhiễm trùng phổi tăng lên, các nhiễm trùng phổi nặng cũng tác hại đến phổi.
Triệu chứng lâm sàng của COPD
Bệnh nhân mắc COPD thường có biểu hiện ho, khạc đờm, khó thở kéo dài từ nhiều năm, các biểu hiện bệnh thường nặng lên khi có thay đổi thời tiết
Bệnh nhân thường trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc hoặc nghề nghiệp có tiếp xúc với khói, bụi ô nhiễm... Bệnh nhân thường ho nhiều về buổi sáng, ho cơn hoặc ho húng hắng, có kèm khạc đờm hoặc không. Đờm nhầy, trong, trừ đợt cấp có bội nhiễm thì màu vàng. Bệnh nhân thường khó thở khi gắng sức, xuất hiện dần dần, cùng với ho hoặc sau đó một thời gian; giai đoạn muộn có khó thở liên tục.
Bệnh nhân có thể được chia thành 2 nhóm:
Bệnh nhân mắc COPD nhóm A: khó thở nhiều, người gầy, thiếu oxy máu lúc nghỉ ít.
Bệnh nhân mắc COPD nhóm B: thiếu oxy máu và tăng carbonic nhiều, khó thở ít.
Trong giai đoạn nặng của bệnh, lòng phế quản bị chít hẹp nhiều, niêm mạc viêm, phù nề, các sợi, vách liên kết quanh tiểu phế quản tận và giữa các phế nang bị phá hủy, làm cho lòng tiểu phế quản bị tắc hẹp thường xuyên, đặc biệt mỗi khi người bệnh thở ra càng làm gia tăng tình trạng ứ khí. Các thành phế nang rất mỏng, lại bị phá hủy nhiều do khói thuốc lá, khi chịu tác động của sự căng giãn thường xuyên lại càng làm gia tăng tình trạng căng giãn nhu mô phổi, lâu dài làm lồng ngực người bệnh căng phồng lên, có thể thấy bằng mắt thường là lồng ngực có đường kính trước sau lớn hơn đường kính ngang, khi đó gọi là lồng ngực có hình thùng.
Trong giai đoạn nặng của COPD, không khí ra vào phổi bị cản trở và không được đổi mới thường xuyên, bên cạnh đó, do vách các phế nang (túi chứa khí của phổi) cũng bị phá hủy, lại càng làm cản trở sự trao đổi khí, do vậy làm nồng độ khí oxy trong máu bệnh nhân bị giảm, tích đọng nhiều khí cacbonic. Tình trạng thiếu oxy thường xuyên sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều cơ quan, đặc biệt là tim.
Những bệnh nhân đã có suy hô hấp, thông thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, người bệnh ít đi lại, chủ yếu sống trong gia đình, giao tiếp xã hội bị hạn chế, chất lượng công việc, tình cảm bị ảnh hưởng nghiêm trọng... Về lâu dài, bệnh nhân thường xuyên có cảm giác cô đơn, cảm giác mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội... do vậy có thể gây trầm cảm... Bên cạnh đó, khoảng 60% các bệnh nhân COPD có chỉ định thở oxy dài hạn, những trường hợp này thường cần nằm tại chỗ từ 16-18 tiếng/ngày, càng làm gia tăng trầm cảm cho bệnh nhân.
Bệnh COPD ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Cần phân biệt đợt cấp COPD với hen phế quản
Cơn hen phế quản: Bệnh nhân trẻ tuổi, tiền sử hen từ nhỏ. Cơn xuất hiện đột ngột thường liên quan với tiếp xúc dị nguyên. Ran rít, ran ngáy nhiều, lan tỏa hai bên. Trường hợp nguy kịch thấy phổi im lặng. Ít khi có gan to. Điện tim bình thường.
Cơn hen nặng kéo dài có thể có tâm phế cấp. Xquang phổi: phổi tăng sáng ngoại vi. Đáp ứng nhanh với điều trị corticoid hoạc thuốc giãn phế quản.
Đợt cấp COPD: Tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, khó thở thường xuất hiện sau 40 tuổi. Nghe phổi chủ yếu thấy rì rào phế nang giảm. Có thể nghe thấy ran rít, ran ngáy hoặc không. Thường thấy gan to của tâm phế mạn. Trục phải, dày thất phải. Tim hình giọt nước, hình ảnh “phổi bẩn”.
Điều trị bệnh COPD như thế nào?
Biện pháp chủ yếu là phòng ngừa. Bỏ hút thuốc và tránh khói thuốc từ người khác là cốt lõi của việc phòng ngừa tổn thương của phổi kèm theo những bệnh này. Tránh các chất kích thích và ô nhiễm cũng quan trọng.
Tương tự như vậy, hồi phục những tổn thương rất khó nếu người bệnh tiếp tục phơi nhiễm với khói thuốc lá và các chất ô nhiễm. Trường hợp tổn thương phổi nặng, người bệnh cần đến những biện pháp đặc biệt để giúp làm giảm triệu chứng.
Máy tạo ẩm có thể hữu ích. Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thử thuốc giãn phế quản.
Ngoài ra, các thuốc steroid như prednisone có thể làm giảm viêm và giúp làm dịu các triệu chứng. Bác sĩ sẽ cân nhắc việc có thể cần đến kháng sinh để chống nhiễm trùng hay có thể cần đến oxy hỗ trợ. Tuy nhiên, loại bỏ phơi nhiễm khói thuốc lá là biện pháp quan trọng nhất.
Người bệnh COPD nên tiêm vắc-xin cúm hàng năm, nên sử dụng vắc-xin phế cầu khuẩn. Vắc-xin này phòng ngừa một số loại nhiễm trùng phổi. Tái sử dụng vắc-xin sau 5 năm có thể cần cho người lớn hơn 65 tuổi.
Mới đây, một vài loại phẫu thuật đã được sử dụng để điều trị các tình trạng này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi.
Vật lý trị liệu lồng ngực có thể giúp cải thiện việc ho và tống chất bẩn khỏi phổi. Bệnh nhân có thể kết hợp tập thể dục nhẹ nhàng (đi bộ).
Theo suckhoedoisong.vn - Ngày 16/8/2021
https://suckhoedoisong.vn/ung-pho-voi-con-cap-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-n190003.html